Chỉ với một góc sân thượng nhỏ khoảng 20m2 nhưng nhờ sự khéo léo, chị Trân đã vun trồng một vườn trái cây trĩu quả, tốt tươi, đa dạng như ổi, táo, lựu và nhiều loại rau củ quả khác. Cùng theo chân EM lắng nghe bí quyết chăm sóc khu vườn trên sân thượng xanh mát cùng chị Lê Thị Ngọc Trân nhé!
Mục Lục
Niềm vui từ việc trồng vườn trên sân thượng
Rời khỏi văn phòng sau một ngày dài mệt nhoài, chắc hẳn ai cũng muốn thư giãn và ngắm nhìn những mầm xanh đang phát triển tốt tươi, đơm hoa kết trái. Đó cũng là mong muốn của chị Trân khi bắt đầu tận dụng góc không gian trên sân thượng để trồng một “nông trại” xanh ngay giữa lòng Sài Gòn. Chị Trân chia sẻ, chị và chồng bắt đầu làm vườn trên sân thượng từ 9 năm trước.
Lúc mới bắt đầu, vợ chồng chị chỉ trồng một số loại rau củ quả, mục đích chính là tìm khoảng xanh trong nhà. Nhưng dần dần, vợ chồng chị Trân đã phát triển được một vườn cây say trái, thu hoạch rau sạch trái ngọt cho cả gia đình. Vườn cây của chị Trân hiện có hơn 10 loại cây ăn trái và nhiều loại rau lá, củ quả, rau gia vị cho sản phẩm quanh năm hoặc theo mùa vụ, đủ phục vụ cho nhu cầu rau quả của cả nhà.
Bí quyết chăm sóc “nông trại” trĩu quả trên sân thượng
Mỗi sáng trước khi làm, vợ chồng chị Trân sẽ tươi nước cho vườn cây và tưới lần 2 vào buổi chiều sau giờ làm. Chị còn đầu tư thêm giàn tưới tự động để việc chăm sóc tiện lợi và thoải mái hơn, nhất là những lúc cả nhà đi du lịch hoặc vắng nhà vài ngày.
Chị cũng chia sẻ bí quyết chọn đất, loại trừ sâu bệnh để cây cối luôn xanh tốt, nhanh thu hoạch.
1. Lựa chọn đất trồng và ngừa sâu bệnh:
- Lựa chọn đất sạch Tribat trộn với xơ dừa, phân bò, phân trùng quế theo tỉ lệ 2:1:1:0,5. Sau khi trồng các loại rau và dây leo ngắn ngày, hỗn hợp đất này có thể được tái sử dụng bằng cách phơi khô 2-3 ngày cho sạch sâu bệnh, trộn thêm hỗn hợp trên để tiếp tục trồng các loại cây khác. Chị Trân còn tận dụng bã cà phê, than, phân ủ từ rác thải nhà bếp,… bón quanh gốc cây để tăng chất dinh dưỡng cho đất và phòng ngừa sâu bệnh.
- Đuổi ốc sên: Nghiền nhỏ vỏ trứng rải bên dưới chậu trước khi trồng và rải trên đất quanh gốc cây.
- Đuổi cuốn chiếu: Rải trấu tươi, rắc bột vôi hoặc thuốc diệt kiến xung quanh gốc cây hoặc dùng thuốc PERMETHRIN 50 EC xịt trên mặt chậu.
- Thường xuyên bắt sâu để phòng ngừa sâu bệnh hại cây.
- Đuổi kiến: Pha một hỗn hợp dung dịch gồm tỏi, tiêu cay, xà phòng, dầu thực vật, dầu lửa và nước phun trừ kiến để xịt lên thân và gốc cây. Khi thấy tổ kiến, chị Trân rải tiêu đen, bột quế hoặc bột ớt, muối, kiến sẽ bỏ đi, tránh làm hại lá và quả non.
2. Cách chăm sóc các loại cây trồng
Ngoài các hướng dẫn chung, chị Trân cũng chia sẻ bí quyết chăm sóc cho một số loại cây trồng nhất định.
- Cây ăn quả: Tỉa nhánh, ngọn theo hình nấm để cây không quá cao. Chú ý đặt cây ở nơi nhiều ánh nắng. Với cây ổi, khi đâm nhánh ra hoa, chị sẽ tuyển hoa và tỉa cành, lá để tập trung chất dinh dưỡng phát triển trái. Riêng táo, chị rạch nhẹ thân, cắt tỉa cành cho thân không dài quá 40cm để nuôi gốc và trái. Cóc và lựu chị cho phát triển cành và lá, tưới nhiều nhưng trang bị chậu thoát nước tốt để tránh bị thối gốc, chết cây.
- Cây dây leo: Cây họ nhà dưa lê, dưa hấu, chị cắt ngọn cho dây leo phát triển nhánh, khi dây leo được khoảng 40cm thì hạ dây xuống đất cho bám rễ phụ tiếp tục phát triển. Với dưa leo, bầu, bí, mướp, khổ qua, chị sẽ thụ phấn cho hoa cái bằng cách bẻ hết cánh hoa đực chừa nhuỵ úp vào hoa cái lúc sáng sớm. Khi cây đang ra hoa, chỉ tưới nước 1 lần trong ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối, không bón phân cho đến khi đậu quả.
Những chia sẻ của chị Trân được góp nhặt từ việc gieo trồng và chăm sóc thực tế, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các chị em bận rộn trong cuộc sống thường ngày nhưng luôn mong muốn tìm kiếm một góc xanh cho riêng mình. Hãy cùng chia sẻ với EM khu vườn trên sân thượng của bạn nhé!
Đọc thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc hoa hồng giúp nàng có một ban công thơm ngát