Một vườn hoa hồng ở ban công không chỉ giúp nàng có một không gian sống xanh tươi, mà nó còn giúp nàng xua tan căng thẳng mệt mỏi và yêu đời hơn. Tuy nhiên, cách chăm sóc hoa hồng khiến nhiều nàng e ngại bởi nghe chừng là rất… khó. Tin vui là EM đã có bí quyết giúp các nàng sở hữu một vườn hoa hồng cực dễ dàng rồi đây.

1. Đặc điểm của hoa hồng

Hoa hồng thuộc nhóm thân gỗ dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm. Trên thế giới hiện nay có hơn 100 loài với màu hoa đa dạng, với màu sắc và kích thước khác nhau. Hoa hồng có mùi thơm quyến rũ, cánh mềm mỏng manh xếp chồng lên nhau khi bung nở rất đẹp mắt.

trồng hoa hồng tại nhà
Vườn hồng bung tỏa sắc màu là niềm yêu thích của rất nhiều chị em

Từ xa xưa, hoa hồng đã được coi là biểu tượng của tình yêu. Mỗi màu hoa lại tượng trưng cho những sắc thái khác nhau:

  • Hoa hồng đỏ: biểu tượng của đam mê, của tình yêu nồng cháy và sâu đậm.
  • Hoa hồng trắng: biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng.
  • Hoa hồng hồng đậm: tượng trưng cho tình yêu mới chớm nở.
  • Hoa hồng hồng nhạt: tượng trưng cho tình mẫu tử, sự biết ơn và tôn trọng.
  • Hoa hồng vàng: tượng trưng cho tình bạn chân thành, ấm áp và là biểu tượng của sự thành công.
  • Hoa hồng cam: tượng trưng cho tình bạn hoặc tình cảm gia đình.
  • Hoa hồng xanh dương: biểu tượng của những điều kỳ diệu trong cuộc sống và những nỗ lực biến những điều không thể thành có thể.
  • Hoa hồng màu xanh lá: biểu tượng của sự thành công và những cơ hội mới trong cuộc sống.
  • Hoa hồng tím: biểu tượng của sự lãng mạn và tình yêu thủy chung.
  • Hoa hồng đen: biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, sự bí ẩn. Ở một số quốc gia thì hoa hồng đen lại tượng trưng cho sự đổ vỡ và mất đi người thân yêu.

Với những ý nghĩa trên, các nàng đã có thể lựa chọn ra màu hoa mình muốn trồng chưa nào?

2. Các bước chăm sóc hoa hồng cực đơn giản

Để có một khu vườn hoa hồng ngát hương ở ban công không quá khó đâu nàng ạ. Chỉ cần nàng chịu khó một chút làm theo những hướng dẫn dưới đây của EM nhé!

2.1 Lựa chọn giống hồng

Có rất nhiều cách để trồng hoa hồng như: trồng từ hạt, giâm cành, chiết cành, tách bụi… Nếu nàng chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc áp dụng các cách trên là khá khó, tỉ lệ sống cũng không được cao. Do đó, nàng có thể ra chợ cây cảnh chọn những cây mập mạp, xanh tốt được chủ vườn ươm sẵn thì tỉ lệ sống sẽ cao hơn và không mất quá nhiều công chăm sóc.

cách trồng hoa hồng tại nhà
Nàng nên nữa chọn những giống hoa phù hợp với thổ nhưỡng nơi mình ở để đảm bảo tỉ lệ sống tốt nhất.

2.2 Làm đất trước khi trồng

Đây có thể coi là bước quan trọng nhất trong cách chăm sóc hoa hồng. Bởi đó là nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Hoa hồng có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là trồng ở đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, thoát nước tốt.

chọn đất trồng hoa hồng
Bí quyết để những vườn hồng xum xuê cành lá, trổ hoa mập mạp cũng từ đây đấy nàng ạ.

Nếu không có nhiều thời gian, nàng có thể tìm mua giá thể đất trộn sẵn ở cửa hàng giống cây trồng. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu làm đất tự trộn. Những nguyên liệu nàng cần mua để tự trộn gồm có: đất phù sa nguyên bản, phân chuồng đã ủ hoai, xơ dừa hoặc trấu hun, trộn đều theo tỉ lệ 5 đất: 2 phân: 3 trấu (xơ dừa). Phân tốt nhất cho hồng là phân gà và phân dê. Đất trồng hồng đủ phân chuồng (1-2 tháng bón gốc 1 lần) thì nàng không cần cầu kỳ mua thêm phân tưới nữa nhé.

2.3 Chọn chậu trồng

Đươc trồng trong các chậu lớn và rộng rãi thì cây sẽ có nhiều không gian để phát triển. Nàng hãy chọn mua những chậu nhựa cứng hoặc chậu gốm, sứ cao cỡ 30cm và đường kính khoảng 40cm trở lên, có nhiều lỗ thoát nước. Cầu kỳ hơn, nàng có thể tự đóng hoặc nhờ chồng làm cho những chiếc chậu cây bằng nhiều loại vật liệu khác (gỗ, xi măng,…) để trang trí điểm tô cho cây hồng thêm xinh đẹp.

2.4 Cách trồng hoa hồng

Bước 1: Tưới nước thật đẫm vào cây hoa hồng mới mua về cho dễ lấy.

Bước 2: Cho vài viên sỏi lớn hoặc viên xỉ than đập vụn lót dưới đáy chậu để thoát nước tưới, tạo độ thông thoáng tránh úng rễ cây.

Bước 3: Cho đất đã trộn vào 2/3 chậu. Khoét một lỗ chính sao cho vừa với bầu đất của cây và đặt cây vào. Đổ tiếp phần đất còn lại vào đầy miệng chậu rồi ấn nhẹ nhàng xung quanh gốc để giữ cây thẳng và tránh làm đứt rễ.

chuan bi gia do cho hoa hong
Nàng có thể cắm cọc hoặc chuẩn bị một bộ khung để làm giá đỡ cho hoa hồng

Sau khi trồng thành công, nàng tưới đẫm nước và để nơi thoáng mát 3-5 ngày, mỗi ngày tưới một lần vào buổi sáng cho đất có độ ẩm vừa phải. Sau đó đem ra nơi có nắng (khoảng 6 tiếng một ngày) và tăng lượng nước tưới.

2.5 Cách chăm sóc hoa hồng

Trồng hoa hồng trong chậu nàng nên tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn. Chú ý không tưới vào lúc trời nắng to vì sẽ làm cây bị sốc nhiệt. Một tip nho nhỏ để cây có thêm chất dinh dưỡng đó là giữ lại nước vo gạo để tưới mỗi ngày. Nên tưới vừa đủ, đừng để nước lênh láng chui cả qua lỗ chậu vì sẽ bị rửa trôi mất dinh dưỡng.

Khi cây hồng đã phát triển ra nhiều cành và nhánh chen nhau, nàng nhớ cắt bỏ cành, lá bị hư. Hoa hồng đã nở xong nàng cũng nên cắt đến phần cuống hoa. Khi cắt nên bấm ngọn thêm hai tầng lá để tạo cây có sức đâm nhánh mới và cho ra những nụ hoa mới.

trồng hoa hồng
Chăm sóc hoa hồng cũng là một cách để giải tỏa căng thẳng đấy nàng ạ!

Khi phát hiện cây bị sâu bệnh, nàng nên tách riêng cây ra một chỗ để tránh lây ra các cây khác. Sau đó, có thể mua các loại thuốc trị sâu bệnh có sẵn ở cửa hàng giống cây trồng. Hoặc tự chế thuốc sinh học như: tro bếp ngâm nước vôi trong, tỏi ớt ngâm rượu, lá xoan ngâm, quả bồ hòn đun lấy nước để nguội,… các công thức trên rất an toàn với sức khoẻ con người nhưng dùng để phun cây lại vô cùng hiệu quả để diệt sâu bệnh. Trước khi xịt dung dịch, nàng hãy cắt bỏ toàn bộ phần cây bị bệnh rồi xịt khắp thân, lá để diệt sâu bệnh nhé!

Cách chăm sóc hoa hồng để có một ban công thơm ngát đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Hy vọng với những gợi ý của EM, nàng có thể có một ban công ngập tràn hương hoa sắc màu. Là một nơi thư giãn tinh thần sau cả ngày làm việc căng thẳng.

5/5 (1 Review)