Cứ vào mùa nước nổi mỗi năm, người miền Tây và du khách lại có thêm nhiều kỉ niệm khó quên. Con nước từ thượng nguồn kéo theo phù sa đỏ thắm, cá tôm theo dòng nước lũ lượt đổ về, bao la rau ngon, trái lạ đậm đà hương vị phù sa. Tất cả làm nên một nền ẩm thực miền Tây mùa nước nổi độc đáo mà dân dã, hào sảng như chính tinh thần của người miền Tây.
Du lịch miền Tây vào thời điểm này sẽ là một trải nghiệm thú vị khó quên. Hãy về miền Tây và thưởng thức những món ngon làm nên thương hiệu trong mùa nước nổi này nhé!
Mục Lục
1. Cá linh – đặc sản miền Tây chỉ có vào mùa nước nổi
Cứ đến khoảng tháng 9 âm lịch, cá linh bắt đầu vào mùa sinh sản. Vậy nên cứ thấy cá linh bắt đầu xuất hiện dày đặc trong những tấm lưới đánh cá, người ta tự biết rằng mùa nước nổi đã thực sự về với miền Tây. Cá linh thường khá nhỏ, kích thước tầm khoảng 1 ngón tay út, nếu may mắn thì gặp những con cá to khoảng 2 ngón tay. Tuy nhỏ nhưng lại có võ, cá linh có hương thơm đặc biệt, xương mềm tan trong miệng hòa lẫn với vị beo béo, bùi bùi ngon khó cưỡng lại.
Về miền Tây mùa nước nổi mà không thưởng thức món ngon từ cá Linh thì thật thiếu sót. Món cá linh phổ biến đến mức nhà nào cũng có một nồi cá linh kho cực hao cơm, nhâm nhi vài chung rượu đế với chảo lẩu cá linh ăn kèm rau tập tàng ngon quên sầu.
2. Món ngon miền Tây “vàng ruộm” bông điên điển
“Xa xăm nơi chốn bận tiền,
Ăn bông mà điên điển,
Nghiêng mình nhớ đất quê.
Chồng xa em khó mà về”
Bông điên điển với người miền Tây dường như đã trở thành một phần hình ảnh quê hương từ rất lâu. Bông điên điển không chỉ là một loại cây được người dân trồng với mục đích chống sạt lở đất, nó còn là ký ức tuổi thơ gắn bó với bao thế hệ. Ấy thế nên nhạc sĩ Hà Phương phải lấy hình ảnh điên điển làm chất liệu sáng tác, khơi gợi nỗi buồn nhớ quê hương của cô gái đi lấy chồng xa.
Vào mùa nước nổi, những “cánh rừng” điên điển nhuộm vàng hai bên bờ sông. Trên bờ có màu vàng rực rỡ, bên dưới phù sa cuồn cuộn đỏ, đan xen những bông lục bình màu tím dịu dàng, không gian thật thi vị làm sao. Chỉ cần chèo xuồng ba lá ra dọc bờ sông, trong chốc lát điên điển đã đầy rổ, sẵn sàng đem nấu thành nhiều món ngon. Bông điên điển khiến người ta nhớ nhung nhờ vị ngọt lạ miệng, giòn, tươi mát khi kết hợp với nhiều món ăn đặc sản miền Tây.
Trong món lẩu cá linh đã được giới thiệu, bông điên điển là thứ không thể thiếu làm nên hương vị đặc biệt và màu sắc đẹp mắt cho món ăn. Đơn giản nhất là trộn gỏi điên điển với khô cá lóc hay tép rong rồi kèm với bông súng đã đủ “ngon số dzách”, như cách mà người miền Tây hay nói.
3. Ẩm thực miền Tây đa dạng với bông súng
Ẩm thực miền Tây mùa nước nổi không thể nào thiếu sự góp mặt của bông súng – món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người dân miền Tây. Từ độ tháng 8 âm lịch, bông súng nở rộ kín mặt hồ, tạo nên cảnh sắc tuyệt mỹ nơi hương đồng cỏ nội. Vẻ đẹp giản dị nhưng những cánh đồng bông súng trong mùa lũ lại được nhiều nhiếp ảnh gia dùng làm cảm hứng sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm nhiếp ảnh ấn tượng.
Bông súng mang đến nét riêng cho ẩm thực miền Tây khi có thể kết hợp với nhiều món ăn ngon. Vị hơi chát nhẹ, giòn rụm và ngậm nước góp phần cho bữa ăn thêm ngon miệng. Trong các món lẩu miền Tây, bông súng là thứ không thể thiếu. Từ món lẩu cá linh, lẩu cua đồng, lẩu mắm,… đều có bông súng góp mặt.
Bông súng còn có thể trộn gỏi, nấu canh chua, ăn sống với kho quẹt và nhiều món ăn từ lạ tới quen. Điểm đặc biệt của bông súng là nơi sống. Nó sống quanh năm dưới nước, hấp thụ “tinh hoa” dưới lớp đất bùn nên thân thể cũng mặn mà, đậm dư vị quê hương.
4. “Phát hoảng” với món chuột đồng ngon khó cưỡng
Ít ai biết chuột đồng là món ăn đặc sản của ẩm thực miền Tây, trong khi người thành thị thường cảm thấy sốc khi nghe đến món ăn này. Tuy nhiên, nếu được dịp thử qua món chuột đồng của người miền Tây, bạn sẽ bất ngờ bởi thịt chuột đồng rất ngon, dai, thơm và ngọt. Cứ sau mỗi vụ mùa, nông dân tranh thủ đi “săn” để bắt được những con chuột mập mạp, chắc thịt. Chuột đồng ở miền Tây ăn lúa, hoa màu, chũi trong đất ruộng nên thường khá sạch và không mang nhiều mầm bệnh như loài chuột cống.
Chuột đồng bắt đầu trở thành món hiếm ở miền Tây từ khi diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, thay thế bằng hoa màu, cây ăn quả để phục vụ nhu cầu cả nước và xuất khẩu. Nếu được người miền Tây đãi món các món ăn từ chuột đồng, chắc hẳn phải thân quen và trân quý nhau rất nhiều.
5. Nước mắm, khô cá và các loại đặc sản làm từ cá
Ngoài những món ăn tại chỗ, bất cứ ai ghé qua miền Tây đều có thể mang thức quà đặc trưng mùa nước nổi dành tặng cho những người yêu thương. Những thức quà tuy giản dị, dân dã nhưng ấm áp, nghĩa tình và chân phương như chính nét tính cách của người dân miền Tây.
Nước mắm cá linh thường được chọn làm quà mang về của du khách. Nước mắm cá linh được ủ từ cá linh tươi nguyên chất từ 3-6 tháng. Nước mắm sánh, có màu đỏ hồng, vị đậm đà, hậu ngọt từ cá tươi qua thời gian dài. Chỉ cần chấm miếng cá hoặc miếng thịt thật ướt và thưởng thức sẽ cảm nhận đủ đầy hương vị của ẩm thực miền Tây.
Ngoài nước mắm, bạn có thể chọn khô cá, mắm các loại để làm quà ý nghĩa cho người thân sau mỗi dịp ghé thăm miền Tây, đặc biệt là vào mùa nước nổi. Trong văn hoá ẩm thực của người miền Tây Nam Bộ, mắm là món ăn có một vị trí vô cùng đặc biệt. Sự tồn tại và phát triển bền vững của nghề làm mắm không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà đó còn là nét văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị quê nhà.
Những món ngon nói trên tuy giản đơn, mộc mạc nhưng lại đậm đà tình cảm của người dân miền Tây chân phương, mến khách. Ai đã ghé qua miền Tây chắc hẳn sẽ đem lòng nhớ thương hương vị ẩm thực thấm đượm tình quê này. Hãy một lần về đây và trải nghiệm những điều thú vị về một nền ẩm thực sông nước độc đáo phía Tây Nam tổ quốc. Còn bạn, bạn đã đi về miền Tây chưa? Hãy chia sẻ cảm nhận của mình về ẩm thực miền Tây với EM nhé!