Hành trình của mình trên con đường chinh phục lối sống xanh zero waste…

Tuổi trẻ mình cũng như bao cô gái khác, yêu những điều mới mẻ và đam mê khám phá, trải nghiệm. Mình thích cảm giác được sử dụng một sản phẩm mới, thích mua chiếc váy đẹp, thích có một chiếc túi xinh. Mình vô tư thoải mái với sự tiện dụng mà cuộc sống hiện đại đem lại… Cho tới khi mình xem được video Dear Future Generations: Sorry của Prince Ea

Mình đã xem đi xem lại video này cả chục lần cho tới khi thấy sống mũi hơi cay cay. Mình nhớ tới những đống rác chất thành núi, những dòng nước sông đen ngòm. Mình nhớ tới vạt rừng sẻ tan, những cái cây bị đốn hạ, những con đường mịt mù rác thải. Mình nhớ tới những con cá chết trong bụng đầy túi nilon, những chú rùa chết vì ăn phải nhựa. Càng tìm hiểu mình mới thấy ô nhiễm môi trường đang tàn phá Trái Đất như thế nào.

lối sống không rác thải zero waste 7
Đã có ít nhất 180 loài động vật biển (bao gồm cả cá voi) thường xuyên ăn phải nhựa, từ các sinh vật phù du (zooplankton)

Mình bắt đầu thấy sợ hãi về những gì mà bản thân mình nói riêng và loài người nói chung đang gây ra cho hành tinh này. Trong suy nghĩ của mình, mẹ Trái Đất thật kỳ diệu với những cánh rừng xanh mướt, núi đồi hùng vĩ, những làn nước biển trong xanh, sinh vật trù phú. Vậy mà giờ đây khi giật mình nhìn lại, nó đã bị thay thế dần dần bởi bê tông cốt thép. Rừng xanh bị đốn hạ để những nhà máy được mọc lên. Những bãi biển trắng cát giờ ngập tràn rác thải. Những con sông nước trong vắt giờ lại nguyên một màu đen ngòm, hôi thối. 

lối sống xanh zero waste
Những con sông ngập tràn rác thải khiến ai cũng phải bịt mũi mỗi lần đi ngang qua

Trái Đất đang ngày càng nóng lên, thiên tai, lũ lụt, hạn hán xảy ra triền miên không dứt. Những điều đó thôi thúc mình cần hành động, cần làm gì đó để bảo vệ lấy môi trường, để có thể giúp trái đất trở nên xanh hơn. Và đó là lúc mình biết đến lối sống zero waste.

Zero waste là gì?

Zero waste là lối sống “không rác thải” – Có nghĩa là không tạo ra rác hoặc hạn chế tối đa việc xả rác thải ra môi trường bằng cách ngưng mua sắm thừa thãi, nói không với đồ nhựa/ nilon, thay vào đó là tập tái chế và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

lối sống không rác thải zero waste 9
Zero waste là lối sống “không rác thải”

Nhìn lại xung quanh mình, chao ôi biết bao thứ ngổn ngang: túi nilon, quần áo, túi xách, chai nhựa, hộp nhựa, cốc uống trà sữa. Từ lúc nào mà bên cạnh mình toàn đồ nhựa thế này? Chỉ riêng bản thân mình đã thế này thì hàng tỷ người trên thế giới cũng sử dụng như vậy, Trái Đất rồi sẽ ra sao? Điều ấy, thôi thúc mình cần hành động ngay. 

Và mình bắt đầu áp dụng những nguyên tắc của zero waste vào cuộc sống một cách cực kỳ nghiêm túc.

5 nguyên tắc của zero waste

1. Refuse – từ chối những gì bạn không cần

Nguyên tắc này khiến mình nhận ra, có quá nhiều thứ chúng ta những tưởng là quan trọng mà không cần thiết một chút nào như túi xách, chai nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn, đồ dùng vệ sinh trong khách sạn, tờ rơi, quà hội nghị, sự kiện… 

Mình nghĩ đó là lúc mình nên dùng tới chiếc túi vải mới được chị bạn tặng thay cho những chiếc túi da, túi nhựa không thực sự tiện dụng. Để không sử dụng các loại hộp dùng một lần mình sắm thêm một chiếc bình giữ nhiệt và hộp đựng thức ăn bằng thủy tinh. Đó là những vũ khí đầu tiên trên hành trình đến với zero waste của mình. 

lối sống không rác thải zero waste 3
Đây là tất cả những gì trong một lần đi chợ của mình, không có chiếc túi nilon nào!

Tiếp sau đó, mình bắt đầu cắt giảm những thứ vừa không tốt cho sức khoẻ lại vừa thải ra nhiều rác như bim bim, quà vặt, nước ngọt, mì gói, đồ ăn một lần… để tự nấu cơm tại nhà. Mình từ chối những sản phẩm dùng thử, những món quà tặng kèm chắc chỉ dùng được 1 – 2 lần. Mình không mua những món đồ lưu niệm bằng nhựa mà thay vào đó là những đồ thủ công vừa thân thiện với môi trường lại góp phần phát triển làng nghề truyền thống.

zero waste thân thiện với môi trường
Thìa, dĩa, bàn chải đánh răng cán gỗ, bông tắm xơ mướp, ống hút kim loại và ống hút tre, chai lọ thuỷ tinh, túi làm từ vải hoặc dây thừng… là những món đồ mà mình thường xuyên sử dụng.

Dần dần khi đã làm quen với việc refuse, mình chia sẻ nó với những người bạn. Không nhận gói quà vào sinh nhật, không nhận những bó hoa đầy túi bóng kính, không nhận những món đồ bằng nhựa… Điều này đôi khi cũng làm vài người bạn phật lòng nhưng dần dần họ cũng quen với lối sống ấy của mình.

2. Reduce – giảm tiết những gì chúng ta cần và không thể từ chối

Nhờ có nguyên tắc này mà mình biết được vì sao lúc nào cũng hết tiền? Bởi mình mua quá nhiều mà không thực sự cần. Rất nhiều món đồ mình chỉ dùng 1 lần rồi bỏ đấy. Có bộ quần áo còn nguyên tag mà chưa mặc. Những con gấu bông vứt xó, những chiếc cốc, hộp, bình mấy tháng chẳng dùng tới một lần.

Đến với zero waste mình bắt đầu thu dọn lại đồ đạc trong nhà. Xem cái gì dùng thường xuyên thì để. Còn lại mình đăng lên nhóm tặng đồ, cho những người thực sự cần chúng. 

Mình xem lại chi tiêu. Không mua đôi giày này chỉ vì đẹp, nó quá cao không dùng được thường xuyên. Không mua thêm bộ cốc mới, cốc ở nhà mình còn chưa dùng hết. Thay thế các sản phẩm chứa nhiều hoá chất tẩy rửa như: dầu rửa bát, kem đánh răng, dầu gội sang những sản phẩm tự nhiên với dung tích lớn để giảm bớt bao bì. Mình cũng đang cố gắng chuyển hướng sang dùng các brand mỹ phẩm đề cao việc bảo vệ môi trường (đơn giản hoá bao bì và thành phần, tạo điều kiện cho khách hàng mang vỏ sản phẩm cũ tới refill hoặc đổi lấy sản phẩm mới, không thử nghiệm trên động vật…) như một sự ủng hộ cho quan điểm và triết lý của họ.

Lúc mua cũng xót ví lắm vì giá của các sản phẩm thân thiện với môi trường có thể đắt hơn các sản phẩm phổ thông từ 3-5 lần, nhưng vì những giá trị lâu dài thì cũng có thể chấp nhận được nhỉ? À nhờ vậy nó cũng giúp mình tiết kiệm hơn vì dùng nhiều thì… tiếc!

lối sống xanh zero waste 2
Xà bông từ thiên nhiên vừa lành tính lại thân thiện với môi trường

Dần dần, mình thấy bất ngờ khi bản thân mình cũng cảm thấy nhu cầu dần thu hẹp lại, chi tiêu ít đi, chỉ mua khi thực sự cần thiết. Có lẽ nào nhờ zero waste mà mình có thể giàu lên không?

3. Reuse – tái sử dụng những gì chúng ta tiêu thụ, không thể từ chối hoặc không thể tiết giảm

Zero waste khiến mình biết được rằng đồ secondhand đẹp, độc mà giá rẻ như thế nào. Vậy nên khi cần mua mới mình chuyển hết sang dùng đồ secondhand vừa đa dạng mẫu mã lại còn tiết kiệm. 

lối sống zero waste
Đây là bộ đồ second hand của mình, nhìn cũng đẹp đấy chứ nhỉ? Mình thậm chí còn dùng để diện Tết luôn, cần gì đồ mới.

Khi đi mua đồ mà quên mang theo túi hoặc hộp mình sẽ nhờ người bán cho mình vào túi giấy. Khi về mình sẽ gấp gọn, cất đi để dùng mỗi khi cần gửi đồ cho ai đó. Đối với đồ ướt hoặc tươi sống bắt buộc phải dùng túi nilon thì mình sẽ hạn chế ít túi nhất có thể. Sau đó về giặt lại, phơi khô và dùng để đựng khi cần thiết hoặc mang cho mấy cô bán rau. Lần nào mang cho cũng được tặng thêm chút rau thơm mang về. Lời quá.

4. Recycle – tái chế những gì không thể từ chối, không thể tiết giảm hoặc không thể tái sử dụng

Cái này thì mình đã áp dụng trước khi biết đến zero waste rồi. Mình thường gom chai nhựa, lon bia vào để cho mấy cô bán đồng nát. Còn mấy quả pin và đồ điện tử thì sau này tìm hiểu mình mới biết nó độc đến thế nào, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất và nguồn nước. Vậy nên cố gắng gom chúng lại rồi mang đến mấy điểm tổ chức thu gom loại rác này.

lối sống zero waste 2
Có rất nhiều tổ chức thu hồi pin cũ bạn có thể mang đến đó thay vì vứt vào thùng rác

Với quần áo cũ, mình thường dùng làm khăn lau, lót ổ cho thú cưng. Thi thoảng thì gom lại làm từ thiện. Cái nào nhìn xinh xinh thì mình cắt ra làm khăn tay để không phải dùng đến giấy lau. Mình còn chế mấy chậu cây từ quả dừa, chai nước. Chỉ cần tỉ mẩn một chút là có ngay một vườn cây nhỏ xinh ở ban công. 

5. Rot – ủ phân những gì còn lại

Nhờ có zero waste mà mấy chậu hoa của mình tốt hơn hẳn. Bạn biết vì sao không? Vì với những rác thải hữu cơ như rau, vỏ hoa quả mình sẽ băm nhỏ và đem chôn dưới gốc cây. Nước vo gạo, nước rửa rau mình tận dụng để tưới cây luôn. Một công đôi việc. Được chăm sóc tưới tắm đầy đủ, hoa của mình lên tốt hẳn. Bõ công chăm chỉ các bạn nhỉ?

lối sống không rác thải zero waste 2
Rác thải hữu cơ là nguồn phân bón hoàn toàn tự nhiên cho cây trồng

Những “nỗi khổ” chỉ người sống zero waste mới hiểu…

Lúc đầu mình nghĩ những điều trên có vẻ rất đơn giản. Cho tới khi áp dụng mới thấy nó không dễ dàng như mình tưởng. 

Nhiều khi đi ngoài đường mình thèm cốc trà sữa nhưng quên không mang theo bình nước và ống hút cá nhân nên đành ngậm ngùi “nhịn” vì quyết tâm không dùng đồ nhựa của quán.

Lúc mình đi chợ mang theo cái túi vải và nhất định không lấy túi nilon toàn bị các cô bán rau cười. Nhiều người còn nói: “Không biết nhà có sạch không mà bày đặt sống xanh cho Trái Đất” hay “Dù cháu không dùng thì người khác vẫn dùng thôi, có cấm được đâu”.

lối sống không rác thải zero waste 8
Sẽ có rất nhiều người xung quanh dèm pha khi bạn chọn lối sống khác biệt, nhưng hãy tự tin lên vì mẹ Trái Đất và thiên nhiên đang âm thầm biết ơn những điều bạn làm.

Bạn mình còn bảo mình mang túi như mấy bà già ý. Lúc nào cũng lỉnh kỉnh cả bọc đồ (thìa đũa, hộp cơm, cốc, ống hút, túi vải…). Lắm lúc cũng thấy mệt ghê vì sáng nào cũng dậy nấu ăn, rồi mang đủ thứ đi làm. Lắm lúc cũng thấy oải nhưng những hình ảnh trong video lại hiện lên khiến mình có thêm động lực. Thế mới thấy cái tiện và nhàn của cuộc sống hiện đại đã giết chết môi trường nhanh đến cỡ nào.

… Nhưng những “món quà” zero waste đem tới cũng thật ngọt ngào

Khi đã quen với lối sống này, mình mới phát hiện ra, cuộc sống của mình đã thay đổi 180 độ. Từ căn phòng luộm thuộm với lỉnh kỉnh đồ đạc, nay đã cực kỳ gọn gàng và thông thoáng với rất ít đồ hơn. Mình có thêm nhiều niềm vui từ việc trồng cây, chăm hoa. 

Dạ dày và sức khỏe mình cũng trở nên tốt hơn nhờ cắt giảm đồ ăn nhanh và tự nấu ăn tại nhà. Nó cũng nâng cao tay nghề của cô gái chỉ biết luộc giờ có thể chế biến rất nhiều món. Mình còn học được cách tiết kiệm hơn và nhờ thế mình cũng đã có được khoản dự trữ nho nhỏ cho bản thân.

Zero waste còn giúp mình có thêm nhiều người bạn mới cùng chung cách sống thân thiện với môi trường. Tham gia các hoạt động tuyên truyền, hoạt động thu gom rác thải giúp cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa và ngập tràn những điều tích cực. 

lối sống không rác thải zero waste 5
Chương trình “Ngày hội tái chế” giúp các em học sinh học cách bảo vệ môi trường

Nếu bạn là chưa biết đến lối sống này hay đang tìm hiểu về nó theo phong trào thì cũng không sao cả. Chỉ cần bạn biết đến thì cũng là một tín hiệu tích cực cho môi trường. 

Khi chúng ta đã quá quen với cuộc sống tiện lợi thì việc chuyển dần sang zero waste không phải là điều dễ dàng. Đừng giữ thái độ hằn học với ngay cả bản thân và người khác khi chúng ta vẫn còn xả rác. Lối sống này là cả một quá trình thay đổi từ lối sống, tư duy đến thói quen. Vậy nên hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Hãy làm tốt với chính bản thân mình rồi mới lan tỏa ra những người xung quanh.

Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn có hình dung rõ hơn về con đường đến với lối sống xanh zero waste. “Một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể dẫn đến cơn lốc ở Texas”. Vậy nên chỉ cần chúng ta có niềm tin và hành động thiết thực, chắc chắn sẽ đem đến những thay đổi lớn lao trong tương lai. Hãy cùng mình hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại, bạn nhé!

4.2/5 (5 Reviews)