Khi những cơn gió lạnh tràn về, EM lại nhớ da diết hương vị đặc trưng – không lẫn vào đâu được của ẩm thực miền núi phía Bắc. Cháo ấu tẩu, thắng cố hay vịt quay nóng hổi… tất cả tạo nên một nền ẩm thực phong phú mang đặc trưng của mỗi vùng đất. Hãy cùng EM dạo một vòng điểm danh những món đặc sản gây thương nhớ ấy nhé!

1. Hà Giang – cháo ấu tẩu & thịt treo gác bếp

Mở màn chuyến food-tour ẩm thực miền núi phía Bắc mùa đông này, hãy cùng EM đến với mảnh đất nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ Quốc – Hà Giang.

Hà Giang không chỉ khiến du khách mê mẩn bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn, những cung đường quanh co lưng chừng trời men theo dãy núi kỳ vĩ, những bản làng chập chờn mây núi… Hà Giang còn khiến du khách say đắm bởi nét ẩm thực phong phú mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Đầu tiên phải kể đến món cháo ấu tẩu hay còn gọi là “cháo chết người”. Bởi củ ấu tẩu là một loại củ có độc cần được sơ chế rất kỹ càng. Nhưng nhờ vậy mà nó cũng trở thành một nét đặc sắc tại nơi đây. Những ngày đông gió rét được bưng bát cháo nóng hổi ngọt thơm vị của gạo nếp nương, vị bùi bùi, đăng đắng là miệng của củ ấu cùng những miếng chân giò hầm béo ngậy quả là khiến người ta mê mẩn. Cơ thể cũng cảm thấy ấm áp và khỏe khoắn hơn.

cháo ấu tẩu âm thực hà giang
Bát cháo ấu tẩu là sự kết hợp của gạo nương, thịt băm, ấu tẩu, nước xương hầm cùng các loại rau thơm, thêm chiếc chân giò béo ngậy tạo nên hương vị thơm ngon riêng biệt.

Tiếp theo là thịt treo gác bếp với hương vị cực kỳ đặc trưng. Những miếng thịt tươi sẽ được tẩm ướp cùng rất nhiều gia vị như gừng, tỏi, mắc khén, thảo quả… cho ngấm đều. Rồi được treo trên những căn bếp luôn đỏ lửa 4 – 6 ngày liên tục. Tạo ra những miếng thịt thơm mùi khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi thảo quả, ngon ngọt vị của thịt nạc với vị béo béo của lớp mỡ trong veo. Nhấp thêm chút rượu ngô nữa thì càng thêm khoái khẩu.

thit treo gac bep
Thịt treo gác bếp khi ăn chỉ việc ngâm nướng nóng, rửa sạch rồi xào với hành hay ngồng tỏi đều rất ngon

Kế đến phải kể tới món rau xào cực kỳ ngon và lạ. Nguyên liệu của món này gồm rất nhiều loại rau như bắp cải, đỗ đũa, súp lơ, khoai tây, mộc nhĩ cùng nguyên liệu đặc biệt – bánh khoải/bánh đá. Không phải món rau xào như chúng ta hay ăn mỗi bữa cơm đâu các bạn ạ. Các nguyên liệu này sẽ được chiên lên rồi trộn với một loại gia vị đặc trưng của người Trung Quốc vừa cay the, mặn mặn lại ngòn ngọt, cực kỳ lạ miệng. Ăn kèm vài xiên thịt nướng hay lòng nước trong cái giá lạnh của vùng cao nguyên đảm bảo bạn sẽ mê luôn.

rau xào hà giang
Rau trộn này ăn với thịt xiên nướng kiểu Hà Giang cực ngon!

Ngoài ra Hà Giang còn rất nhiều các món đặc sản khác như:

  • Thắng dền
  • Phở Tráng Kìm
  • Thắng cố
  • Mật ong bạc hà
  • Rượu táo mèo

2. Cao Bằng – bánh cuốn nước xương & vịt quay 7 vị

Từ Hà Giang chúng ta hãy cùng đi sang Cao Bằng xem nơi đây có đặc sản gì nhé!

Nhắc đến Cao Bằng hẳn các bạn sành ăn sẽ nghĩ ngay đến những chiếc bánh cuốn trắng mướt, mềm mượt, dẻo dai ăn cùng với nước xương ninh béo ngậy đúng không nào? Sở dĩ bánh cuốn ở Cao Bằng có lớp vỏ mỏng nhưng vẫn dẻo và dai là bở nó được làm từ loại gạo Đoàn Kết đặc trưng ở đây. Hạt gạo dài, màu trắng ngà được để lại từ vụ trước giúp bánh dai hơn. Vỏ bánh sẽ được tráng bằng tay cẩn thận cuộn trong phần nhân làm từ thịt, nấm mèo và hành. Khác với bánh cuốn Hà Nội ăn cùng nước mắm pha dấm, bánh cuốn Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang,… lại ăn với nước hầm xương ngọt thanh, ngậy ngậy, trong veo, điểm thêm chút rau thơm xanh xanh và ớt cay nhìn rất mát mắt.

banh cuon nuoc xuong
Bánh cuốn Cao Bằng ăn với giò lụa rất hợp vị.

Tiếp theo phải kể đến món vịt quay 7 vị. Không phải 7 hương vị khác nhau đâu các bạn ạ. Các tên 7 vị này là do người ta sử dụng 7 loại gia vị khác nhau là gừng, hành khô, tỏi, hạt tiêu, đậu hũ, mật ong và quả mắc mật khô. Chúng sẽ được nướng hoặc xào khô dậy mùi rồi cho vào bụng con vịt đã được làm sạch và nhúng qua nước sôi. Sau đó cho lên bếp than nướng cho đến khi chín vàng ruộm. Tất cả tạo nên món thịt vịt ngọt mềm, dai dai đậm dà thơm ngon khó cưỡng.

vit quay 7 vị Cao bằng
Vịt quay 7 vị đặc sản gây nghiện ở Cao Bằng

Ngoài ra, nơi đây còn rất nhiều đặc sản khác là:

  • Xôi trám
  • Phở chua
  • Mèn mén
  • Hạt dẻ Trùng Khánh
  • Bánh khảo

3. Lạng Sơn – khâu nhục & vịt quay mắc mật

Kế bên Cao Bằng, vùng đất Lạng Sơn cũng khiến người ta mê mẩn bởi quá nhiều món ngon. Nổi tiếng nhất là món vịt quay mắc mật phải không các bạn?

Không phải tự nhiên món ăn này lại nổi tiếng như vậy. Đầu tiên phải kể đến khâu chọn vịt. Người ta sẽ chọn những con vịt bầu, loại vịt mình dày nhiều thịt, ít xương mà không quá mỡ. Sau khi được làm sạch, vịt sẽ được ướp cùng hành, tiêu, bột canh, mật ong cùng gia vị đặc trưng là lá và quả mắc mật rồi được khâu chặt lại, để vài tiếng cho ngấm gia vị. Cuối cùng là cho lên quay đến khi chín vàng. Những miếng thịt đậm đà, mềm ngọt thơm mùi mắc mật đặc trưng khiến bất cứ ai thử một lần rồi cũng nhớ mãi hương vị ấy.

vit quay mac mat
Đến Lạng Sơn đừng quên thưởng thức món vịt quay mắc mật này nhé!

Món ăn tiếp theo trong danh sách ẩm thực miền núi cũng nổi tiếng không kém đó là khâu nhục. Đây là món truyền thống thường có mặt trong các dịp lễ tết hay cưới hỏi của người Lạng Sơn. Người ta sẽ chọn những miếng thịt ba chỉ tươi ngon ướp cùng đủ gia vị như ngũ vị hương, mật ong, rượu, địa liền, húng lìu,… cho ngấm rồi đem đi hầm cách thủy cho đến khi chín mềm rục. Món ăn này ăn lúc nóng với cơm và uống chén rượu cay do người dân tự ủ sẽ giúp cơ thể ấm lên, xua tan đi cái giá lạnh của núi rừng.

khâu nhục lạng sơn
Từng miếng thịt chín mềm nhừ, béo ngậy đậm đà ăn với cơm, bánh mì trong thời tiết se lạnh quả là lựa chọn tuyệt hảo.

Các đặc sản khác của Lạng Sơn:

  • Lợn quay
  • Phở chua
  • Nem nướng Hữu Lũng
  • Bánh cao sằng
  • Na bở Chi Lăng
  • Đào Mẫu Sơn

4. Lào Cai – cá hồi Thác Bạc & thắng cố ngựa Bắc Hà

Nhắc đến ẩm thực miền núi phía Bắc sẽ thật thiếu sót khi bỏ qua Lào Cai. Nơi có đỉnh Phan Xi Păng – nóc nhà Đông Dương, Sa Pa – Thành phố mù sương cùng vô số cảnh đẹp khác.

Theo các bạn món ăn nào xứng đáng là đặc sản trứ danh ở nơi đây? EM nghĩ rằng đó chính là món thắng cố ngựa Bắc Hà – món ăn truyền thống của người H’Mông. Được làm từ thịt và lục phủ ngũ tạng của con ngựa. Ướp cùng 12 loại gia vị truyền thống như: hồi, quế, thảo quả, sả, gừng… và cây thắng cố. Sau đó, người ta sẽ cho tất cả vào ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ trong chảo lớn cùng xương và tiết bò. Đến khi hoàn thành, mọi người sẽ quây quần bên chiếc chảo nghi ngút khói, mỗi người múc một bát sao cho đủ các loại nguyên liệu thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối cho vừa vặn. Húp một chút nước ngọt nóng hổi cho vị ấm xua tan đi cái giá lạnh. Thưởng thức từng miếng thịt thơm giòn cùng rau cải nhúng cay nồng quả là khiến người ta nhớ mãi, nhớ mãi.

ẩm thực miền nui thắng cố ngựa bắc hà lào cai

Nhắc đến đặc sản Lào Cai mà bỏ qua cá hồi Thác Bạc thì quả là đáng tiếc. Được nuôi thành công từ năm 2006, cá hồi đã nhanh chóng góp mặt trên bản đồ ẩm thực Việt. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, nguồn nước, không khí trong lành cùng một mùa đông lạnh, thịt các hồi ở đây rất chắc, thớ săn, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt. Đến đây bạn có thể thưởng thức rất nhiều món từ cá hồi như: sashimi, lẩu cá hồi, gỏi cá hồi hay cá hồi nướng… Món nào cũng tươi ngon và đáng để thử.

cá hồi thác bạc
Không chỉ tạo nên những món ăn ngon đẹp mắt, cá hồi còn có rất nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

Lào Cai cũng còn rất nhiều đặc sản như:

  • Thịt lợn cắp nách
  • Cơm lam
  • Đào Sapa, mận Bắc Hà
  • Xôi cẩm
  • Tương ớt

Có thể nói ẩm thực miền núi phía Bắc thật độc đáo và thú vị với những nét bản sắc riêng của từng vùng. Bên cạnh việc chọn lựa nguyên liệu, chế biến tỉ mẩn thì việc lựa chọn gia vị đặc trưng của núi rừng đã tạo nên những món đặc sản khiến ai từng được thưởng thức đều không thể quên được. Khám phá bản đồ ẩm thực miền núi phía Bắc chắc chắn sẽ khiến bạn mê ngay trong mùa đông này.

5/5 (2 Reviews)