Các mẹ bầu thường được khuyên không dùng mỹ phẩm trong quá trình mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Nhưng lượng hormones tăng cao trong thời gian mang thai khiến mẹ bầu gặp không ít vấn đề về da như mụn trứng cá, nám sạm, nổi mẩn đỏ… Cùng EM tìm hiểu cách chăm sóc da khi mang thai an toàn dành cho mẹ bầu nhé!
Mục Lục
A- Trị mụn và chăm sóc da bị mụn khi mang thai
Tại sao bầu bí thường dễ nổi mụn?
Thực tế là phụ nữ mang thai dễ bị mụn trứng cá hơn hẳn thời còn son rỗi. Hormone nội tiết Androgen thường tăng cao trong giai đoạn đầu của thai kỳ, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ. Bã nhờn dư thừa sẽ tích tụ trên da gây bít tắc lỗ chân lông tạo điều kiện cho P. Acnes – một loại vi khuẩn kị khí, “ăn” bã nhờn phát triển hàng loạt.
Khi đó, da sẽ tự kích hoạt chế độ tự bảo vệ với sự trợ giúp của các “chiến binh” bạch cầu chống lại cuộc tấn công của vi khuẩn P. Acnes. “Cuộc chiến” này sẽ để lại nhiều vết tích “bom đạn” trên da như mụn viêm, mụn bọc (gọi chung là phản ứng viêm). Khi mang thai, tuyến bã nhờn hoạt động quá mức tạo ra nguồn năng lượng dồi dào cho khuẩn P. Acnes, vì vậy chúng sẽ liên tục sinh sôi tạo thành “đội quân” hùng mạnh chiến thắng tế bào bạch cầu. Tình trạng viêm do vi khuẩn P.Acnes gây ra sẽ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn khác có sẵn trên da phát triển theo. Do đó, mụn sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, viêm nhiễm trầm trọng hơn.
Bầu bí cũng cần phải xinh đẹp nên không thể phó mặc làn da cho lũ mụn “tác oai tác oái” làm ảnh hưởng tâm lí khi mang thai. Vì vậy, các mẹ nên chăm sóc da khi mang thai bằng cách dùng mỹ phẩm dành riêng cho bà bầu với các thành phần an toàn để trị mụn hiệu quả.
Những hoạt chất trị mụn an toàn cho bà bầu
1. Clindamycin, Erythromycin
Clindamycin và Erythromycin là 2 loại kháng sinh thường được kê đơn để hỗ trợ điều trị mụn. Theo bác sĩ Yvonne Butler Tobah, 2 loại kháng sinh này được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai (1).
Clindamycin, Erythromycin đều là kháng sinh ngăn chặn và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn gây viêm và nhiễm trùng (trong đó có vi khuẩn P. Acnes). Các bác sĩ thường kê Clindamycin, Erythromycin đường uống đi kèm thuốc bôi ngoài như Benzoyl Peroxide hoặc sử dụng độc lập 2 kháng sinh này dưới dạng bôi để điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, khuẩn P. Acnes có thể khả năng kháng thuốc Clindamycin, Erythromycin cao (2) và 2 loại kháng sinh này đều có tác dụng phụ. Vì vậy, bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng liều lượng và tránh gây hại cho sức khỏe.
2. Benzoyl Peroxide (BP)
Benzoyl Peroxide được đánh giá là một trong những hoạt chất trị mụn tốt nhất và phù hợp cho nhiều loại da. Chất này được chứng minh có khả năng làm giảm rõ rệt vi khuẩn P.Acnes và nhiều loại vi khuẩn khác (3). Da chỉ hấp thụ khoảng 5% lượng chất này và thường sẽ được cơ thể đào thải qua nước tiểu, không hấp thụ vào máu (4). Hiện tại cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh Benzoyl Peroxide có hại đến bà mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu có thể yên tâm sử dụng Benzoyl Peroxide để trị mụn ngoài da.
Tham khảo giá: Shopee & Lazada
3. Beta Hydroxy Acid (BHA)
Cho đến nay BHA vẫn là hoạt chất gây tranh cãi về độ an toàn khi sử dụng cho mẹ bầu. Tuy nhiên, BHA hấp thụ một tỉ lệ rất nhỏ qua da, không hấp thụ vào máu và chưa có nghiên cứu cho thấy BHA liên quan đến dị tật thai nhi. Nếu bôi BHA ngoài da với nồng độ thấp (từ dưới 2%) thì vẫn an toàn cho mình và em bé các mẹ nhé! (4)
Khác với kháng sinh và Benzoyl Peroxide, BHA không tác động đến vi khuẩn gây mụn mà tác động đến thức ăn của chúng. BHA hòa tan dầu thừa, nới lỏng các liên kết của các tế già cỗi, sừng hóa khiến chúng tự rụng hoặc dễ dàng rửa sạch. Từ đó, lỗ chân lông thông thoáng hơn, cản trở sự phát triển của khuẩn P. Acnes. Có thể thấy, BHA rất phù hợp cho bà bầu trị mụn bằng cách kiểm soát bã nhờn tích cực trong thời kỳ hormone Androgen tăng cao.
4. Alpha Hydroxy Acid (AHA)
AHA có mức độ hấp thụ qua da lên tới 27%, tuy nhiên nếu sử dụng nồng độ thấp thì vẫn an toàn cho bà bầu (4). Tương tự BHA, AHA cũng phá vỡ các liên kết giữa các tế bào chết để dễ dàng loại bỏ chúng ra khỏi bề mặt da. Nhưng AHA chỉ tan trong nước và chỉ hoạt động trên bề mặt da, đồng thời tăng cường yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên bên trong nên phù hợp với da khô hơn da dầu.
B- Chăm sóc da bị nám và thâm sạm khi mang thai
Nguyên nhân xuất hiện nám sạm trong thai kỳ
Hầu hết các bà bầu thường sẽ bị nám da hoặc thâm sạm trong suốt thời kỳ mang thai. Nám da thường xuất hiện thành từng đốm nhỏ rời rạc hoặc nám thành mảng lớn trên môi, mũi, gò má và tráng. Ngoài da mặt, nhiều vùng da khác trên cơ thể có thể sậm màu hơn khi bạn mang thai.
Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai kích thích sự gia tăng tạm thời lượng hắc sắc tố Melanin. Mặc dù nám sạm sẽ giảm dần sau khi sinh, nhưng nó gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí mẹ bầu. Vì vậy, bạn có thể dùng mỹ phẩm trị nám an toàn cho bà bầu chứa các chất dưới đây nhé!
Các thành phần chăm sóc da & trị nám an toàn khi bầu bí
1. Niacinamide
Niacinamide (còn được gọi là Vitamin B3) luôn được ca ngợi nhờ khả năng trị thâm nám, làm sáng da thần thánh. Niacinamide ức chế 35 – 68% sự chuyển hóa melanosome thành hắc tố Melanin sậm màu nên da sẽ trắng sáng, đều màu và giảm nám sạm mà vẫn an toàn cho da. Niacinamide giúp trắng da, trị nám hiệu quả rõ rệt sau 4 tuần sử dụng nếu kết hợp chống nắng đầy đủ (6).
Tin tốt cho mẹ bầu là Niacinamide vẫn được coi là an toàn để sử trong thai kỳ. Tuy không được FDA chính thức chỉ định nhưng Niacinamide được coi là một loại vitamin cần thiết trong chế độ dinh dưỡng. Vì vậy, bôi lượng nhỏ ngoài da với nồng độ thấp có thể được xem là an toàn (7).
2. Vitamin C (Ascorbic Acid)
Vitamin C ức chế Tyrosinase – một axit amin liên quan đến quá trình sản xuất hắc sắc tố Melanin nên sẽ cải thiện thâm nám, mang đến làn da trắng sáng rạng rỡ. Ngoài ra, Vitamin C còn giúp tái tạo tế bào mới, tăng sinh collagen và elastin mang đến làn da khỏe mạnh, đàn hồi và chống lại các dấu hiệu lão hóa.
Vitamin C luôn cần thiết và an toàn cho bà bầu. Tuy nhiên, bạn đừng lạm dụng vitamin đường uống mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Sử dụng serum vitamin C với nồng độ từ 15-20% để chăm sóc da khi mang thai sẽ giảm nám hiệu quả và làm da sáng khỏe tự nhiên.
3. Kem chống nắng vật lý chứa Zinc Oxide hoặc Titanium Dioxide
Zinc Oxide và Titanium Dioxide là 2 thành phần quen thuộc trong những loại kem chống nắng vật lý. Ủy ban Khoa học Châu Âu về An toàn Người tiêu dùng (The EU Scientific Committee on Consumer Safety) đã tuyên bố rằng Zinc Oxide, Titanium Dioxide an toàn để sử dụng. Trong các thí nghiệm, 2 loại Oxit này không hề thẩm thấu qua da, kể cả với kích thước phân tử nano siêu nhỏ và nồng độ lên đến 25% (8).
Kem chống nắng rất quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời – nguyên nhân gây ra sạm da và khiến nám trầm trọng hơn. Nếu muốn việc điều trị nám của hiệu quả, các mẹ bầu phải sử dụng kem chống nắng vật lý để bảo vệ làn da nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé.
C- Các thành phần mỹ phẩm nên tránh khi chăm sóc da cho bà bầu
1. Retinoids
Mẹ bầu được khuyến cáo không nên sử dụng mỹ phẩm có chứa thành phần thuộc nhóm dẫn xuất Vitamin A – Retinoids để chăm sóc da khi mang thai, bao gồm: Retinol, Retinal, Tretinoin (Retinoic Acid), Isotretinoin, Alitretinoin, Etretinate, Acitretin, Adapalene (Differin), Bexarotene, và Tazarotene.
Mặc dù các Retinoids hấp thụ vào da rất kém, nhưng đã có 4 trường hợp thai nhi bị dị tật bẩm sinh có liên quan đến sử dụng Tretinoin trong lúc mang thai. Vì vậy, bạn hãy ngưng sử dụng Retinoids tối thiểu 6 tháng trước khi mang thai và không dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa các thành phần trên trong lúc mang thai và cho con bú.
Tuy vậy, mẹ bầu cũng đừng lo lắng nếu lỡ dùng sản phẩm chứa một lượng cực kỳ nhỏ phái sinh của vitamin A. Trong danh sách mỹ phẩm dành cho bà bầu có 1 sản phẩm massage chống rạn da được rất nhiều người sử dụng, đó là Bio Oil. Bảng thành phần của Bio Oil chứa một lượng nhỏ Retinyl Palmitate (cũng thuộc nhóm Retinoids nhưng là phái sinh yếu nhất) và vẫn được chứng minh là an toàn với sự phát triển của em bé. Bạn đọc thêm tại đây để biết thêm chi tiết nhé: Có Nên Sử Dụng Bio Oil Trong Thời Gian Mang Bầu Hay Không?
2. Hydroquinone
Hoạt chất nổi tiếng với tác dụng làm trắng da cấp tốc và điều trị thâm nám rất hiệu quả nhưng nó lại mang nhiều tiếng xấu về rủi ro sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ có thai. Nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ hấp thụ toàn thân thông qua da của Hydroquinone lên đến 45,3%. Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy Hydroquinone liên quan đến dị tật thai nhi, sinh non. Nhưng mức độ hấp thụ quá cao khiến thành phần này rất đáng lo ngại cho sức khỏe em bé trong bụng mẹ.
Hydroquinone còn liên quan đến hội chứng rối loạn sắc tố da ochronosis khiến da có màu xanh kỳ lạ. Nguyên nhân là nó ức chế hoạt động của Melanocytes – tế bào hắc sắc tố melanin làm tăng nguy cơ rối loạn sắc tố da. Chất này cũng liên quan đến việc sản sinh tế bào ung thư trên chuột.
Với những kết quả nghiên cứu đáng sợ, Hydroquinone đang bị kiểm soát chặt chẽ và bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm tại nhiều nước. Mẹ bầu tốt nhất hãy tránh xa Hydroquinone nhé!
3. Oxybenzone, Octocrylene, Homosalate, Octinoxate
Đây là 4 hoạt chất phổ biến trong kem chống nắng hóa học, nhưng chúng không an toàn cho mẹ bầu. Cả 4 chất này thường gây dị ứng da và được tìm thấy trong sữa mẹ nên không an toàn cho mẹ bầu sử dụng khi mang thai và cho con bú. Hãy thay thế bằng kem chống nắng vật lý có chứa Zinc Oxide và Titanium Oxide nhé.
Tâm sinh lý và nội tiết thường thay đổi lớn khi bạn mang bầu. Đây là điều rất bình thường! Vì vậy, mẹ bầu hãy bình thản đón nhận nó vì giai đoạn này sẽ qua rất nhanh mà thôi. Hãy cứ làm đẹp bằng các tips chăm sóc da khi mang thai mà EM vừa chia sẻ ở trên để luôn tự tin trong mọi hoàn cảnh, nhưng mẹ nhớ vẫn phải luôn tìm hiểu thật kỹ trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào nhé. Chúc mẹ bầu luôn khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông.
Mình đang sử dụng tretinol 0.05% thì lỡ mang thai. Tuần đầu tiên phát hiện ra thì mình đã ngừng sử dụng, vậy thì thai nhi có ảnh hưởng gì không ạ?