Năm tháng lặng lẽ trôi qua, những niềm vui Tết hồn nhiên và ngây thơ thuở bé có lẽ đang nhường chỗ cho những nỗi lo toan, mệt mỏi mang tên trưởng thành. Dường như càng lớn, người ta càng thấy Tết ngày càng ít vui hơn mỗi năm. Không phải bởi vì Tết nhạt hơn mà chỉ là chúng ta đã khác đi nhiều….
Mục Lục
Những hoài niệm cũ cho mùa Tết mới
Tôi vẫn nhớ như in những ký ức đẹp đẽ, vui vẻ nhất về Tết trong những ngày tuổi nhỏ. Từ 20 Tết, ngồi ở lớp học trường làng mà trong lòng nôn nao cứ nghĩ về 2 tuần được nghỉ học, xúng xính váy áo mới cùng đám trẻ trong xóm dạo quanh chúc Tết và được người lớn lì xì những phong bao đỏ thắm may mắn.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, buổi chiều sập tối 30 Tết là “thời điểm tươi đẹp” nhất trong một năm. Lúc đó, những bộ quần áo mới đã được giặt sạch, ủi phẳng phiu sẵn sàng cho tôi diện lên, háo hức khoe với bạn bè. Nồi bánh tét miền Tây đang sôi sùng sục trên đống lửa già, mùi thơm của lá chuối bốc lên thơm lừng. Tôi cùng đám trẻ ngồi quanh nồi bánh tét, sưởi ấm đôi tay và áp vào gò má giữa không khí se lạnh cuối năm. Cô chú tiểu thương tất bật “thanh lý” những chậu hoa Tết cuối cùng để tranh thủ về nhà chuẩn bị đón Giao Thừa cùng gia đình.
Thời khắc Giao Thừa chính là hình ảnh yên bình và thiêng liêng, khởi đầu cho một năm may mắn và suôn sẻ. Pháo hoa nổ vang ăn mừng cho mùa xuân mới, sáng rực cả một góc trời, tiếng nhạc Happy New Year văng vẳng từ chiếc TV của mỗi nhà. Đám trẻ con chúng tôi không quên thực hiện “nghi thức ăn cắp lộc”, trộm nghịch những cành hoa mai vàng rực đem “lộc” của hàng xóm về nhà…
Tất cả có lẽ đã trở thành hoài niệm, mặc dù nó vẫn mãi tiếp tục diễn ra qua bao mùa Tết nhưng không còn dành cho chúng tôi nữa. Đến giờ đây, tôi không còn cảm thấy sự hiện diện của những niềm vui, sự háo hức mong Tết như ngày xưa. Xung quanh tôi giờ chỉ còn nghe những câu cảm thán, những lời tâm sự, tiếng thở dài về nỗi lo toan ngày Tết: “Chuẩn bị Tết nữa rồi, lại phải lo đủ thứ!”. Cũng giống như tôi – những người trong độ tuổi độc lập và tự gánh vác cuộc đời mình dường như sắp sửa bước vào một cuộc “chạy đua” với những con số trong những ngày cận Tết.
Tết của người lớn là…
Qua từng giai đoạn của đời người, Tết sẽ mang đến từng trải nghiệm rất riêng. Ai cũng từng là đứa trẻ mong ngóng Tết để vui chơi theo đúng niềm vui của tuổi nhỏ. Khi đã trưởng thành rồi, Tết là tiền nong, trách nhiệm với người thân. Khi đã đến tuổi xế chiều, Tết là những đợi chờ đoàn viên và sum họp với con cháu. Chính tôi và bạn, những người đang bước trên chiếc xe trưởng thành đang nỗ lực từng ngày để đem về cho cha mẹ, ông bà – thế hệ “chúng ta” của những ngày xưa, một cái “Tết lớn”, đoàn viên và đủ đầy.
Trong chưa đầy 20 ngày đếm ngược đến Tết, tôi tâm sự với chị Manager rằng bản thân sẽ cố gắng “cày” cho kịp Tết, quyết tâm và nỗ lực cho một cái Tết ấm no, sung túc. Dường như ai cũng hiểu, đó là mối quan tâm chung trong những ngày sắp Tết mà không phải là bánh mứt, quần áo mới hay đoàn viên, mà đó là lương thưởng, tiền bạc và một danh sách dài dằng dặc những thứ bạn phải chuẩn bị cho vài ngày Tết ngắn ngủi.
Tết cứ ngỡ là những ngày an yên nhưng lại vô tình mang đến những áp lực, hối hả và căng thẳng. Người ta tất bật và vất vả hơn mọi tháng trong năm có lẽ để chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày thảnh thơi thật sự. Ngay cả cái khoảnh khắc vui mừng khi nghe tiếng ting ting của lương đến, thưởng về có thể chỉ kéo dài trong vài phút ngắn ngủi rồi vội vàng nhường chỗ cho những khoản chi Tết đang đợi sẵn. Phấn đấu một năm dài, chúng ta chưa kịp tận hưởng phần thưởng đó lại phải ráo riết rút vội những đồng tiền “nóng hổi” để sắm sửa cho năm mới. Sẽ có lúc, chúng ta không thể nào tránh khỏi cảm giác vừa tiếc nuối, vừa cố gắng chấp nhận theo kiểu: “Một năm chỉ có một lần thôi mà!”.
Dù bất cứ ai, kể cả người sống tối giản nhất cũng muốn dọn dẹp, trang trí nhà cửa thật sáng sủa, đẹp đẽ, khang trang để đón chào năm mới. Có thể đó là chậu hoa Tết rực rỡ sắc màu để không khí nhà cửa thêm rộn ràng ngày Tết hoặc vài thứ cần thay mới, sửa chữa trong căn nhà. Bạn chắc chắn sẽ muốn nhiều món ngon đã sẵn sàng trong tủ lạnh, mâm cơm cúng ông bà ngày Tết phải thật sự đủ đầy, thành kính. Và lẽ nào, một năm dài làm việc chăm chỉ như thế, bạn chưa đủ xứng đáng để mua cho mình chiếc váy mới mặc đi chơi Tết hoặc một đôi giày sang xịn hơn để tự thưởng cho bản thân? Rồi những mùa Tết thật khác xưa, những lì xì đỏ thắm do chính tay bạn chuẩn bị, chắc hẳn bạn cũng muốn phong bì năm nay sẽ dày hơn trước để trao tặng cho cha mẹ, ông bà sự “ấm no” mà bạn đã đạt được trong một năm nỗ lực làm việc.
Cứ thêm một mùa Tết, nỗi lo của bạn sẽ dài hơn một chút theo sự già đi của ông bà, cha mẹ. Và nếu đã lập gia đình và có con, chắc hẳn những lo toan sẽ còn nối tiếp đằng đẵng. Chẳng cần phải tìm đâu xa, chính tôi, bạn và những người xung quanh chúng ta đều “thấm” được nỗi trăn trở của những mùa Tết đến.
Những gia đình nghèo khó trong khu nhà tôi mỗi năm đều đón những mùa Tết đầy áp lực. Tôi biết một gia đình hoàn cảnh rất khó khăn: Người chồng làm công nhân thu gom và phân loại rác, cô vợ thì là công nhân xưởng giày và bé trai 6 tuổi, học lớp 1. Cả hai vợ chồng thu nhập ngót nghét chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Vậy mà vẫn phải sắm sửa quần áo mới cho con trẻ vui mừng, mâm cúng giao thừa cũng phải đủ đầy, con gà, dĩa xôi, vài cái bánh chưng, nồi thịt kho trứng sóng sánh, một ít bánh mứt, dưa món,… để cả nhà có Tết. Chị tâm sự với tôi: “Tết chỉ vui với người có tiền, còn nghèo như chị phải lo ăn từng bữa. Tết về tiền hao nhanh quá, nghĩ thấy rầu”. Tết là cả một áp lực to tát đối với nhiều người, mặc dù mỗi ngày qua đi họ đều có không biết bao nhiêu gánh lo khác.
Những áp lực mang tên “Tết về” giăng đầy trước mắt những người trưởng thành. Họ đã đi qua cái tuổi “Mẹ đang may áo mới nhé ai cũng vui mừng ghê” vào mỗi dịp Tết mà sẽ là trách nhiệm và những nỗi buồn ai cũng hiểu nhưng không thể san sẻ cùng ai. Nhưng nếu thiếu đi những nỗi lắng lo đặc trưng ấy, liệu Tết còn gì ý nghĩa để người ta phải tiếp tục tất bật vì nó hay không?
Mỗi năm Tết đến, chúng ta lại thấy mình trưởng thành hơn…
Những đứa trẻ tận hưởng những niềm vui rực rỡ, rộn rã ngày Tết bởi vì chúng vẫn còn là những tâm hồn thơ ngây vô tư đón nhận niềm vui hồn nhiên ngày đầu năm. Bọn trẻ con không hề biết về những áp lực của người lớn đã trải qua để cái Tết của nó ấm no và đầy đủ nhất có thể. Đó chắc chắn là một đặc ân. Chúng ta cũng đã từng được đặc ân và không cần phải có trách nhiệm để tâm đến những lo toan của người lớn, thoải mái tận hưởng niềm vui ngày Tết.
Và hiện tại, chúng ta bắt đầu “cảm” được cái áp lực của cha mẹ chúng ta ngày trước. Đó có thể là tin tốt! Bởi vì chúng ta đã trưởng thành. Ai cũng phải học cách trưởng thành từ 3 thứ: Trách nhiệm, sự độc lập và sự cô đơn. Ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy cần phải lo toan, mỗi mùa Tết về, bạn đã thật sự bước vào thế giới của người lớn, đó chắc chắn là tin tốt.
Dĩ nhiên, không chỉ có bạn mà hàng triệu người ngoài kia đều có những thứ áp lực “na ná” nhau. Nhưng tại sao chúng ta vẫn tiếp tục nỗ lực và vui vẻ chấp nhận?
Bởi chúng ta đã lớn và việc trở thành chỗ dựa cho những người thân yêu là một điều rất đáng tự hào. Những ngày nhỏ, chúng ta được cha mẹ, ông bà lì xì thì giờ đây chúng ta sẽ là người lì xì cho họ. Có phải bạn sẽ hạnh phúc biết bao nếu Tết năm nay có thể mua cho gia đình bộ sofa mới tinh, chiếc bình hoa Ly thơm lừng, tươi roi rói đặt trong phòng khách do chính tay bạn lựa chọn, bộ ấm tách trà sang xịn mịn bạn đích thân chuẩn bị để cha mẹ tiếp khách?
Và bạn có biết rằng, những bao lì xì của bạn, những cái áo mới bạn mua, bộ bàn ghế bạn lựa chọn có thể là niềm vui và hạnh phúc khôn xiết của cha mẹ, người thân? Đó không chỉ là niềm vui vì những thứ vật chất mới mẻ bên ngoài mà họ tự hào vì bạn đã thật sự trưởng thành qua những năm tháng đầy gian khó. Họ tin tưởng bạn không những đủ sức lo cho bản thân mà còn là điểm tựa đầy yêu thương đối với gia đình.
Đó chính là lí do người ta vẫn sẵn sàng đón nhận áp lực nặng nề mỗi mùa Tết. Bởi Tết không phải là tiền bạc, vật chất mà là tình yêu thương đong đầy của gia đình và những người thân yêu. Đôi khi chỉ cần một bữa cơm đoàn viên giản dị cũng đủ khiến một mùa Tết trọn vẹn.
Áp lực cũng đã áp lực rồi, sao còn chưa tận hưởng Tết?
Tết với người trưởng thành có thể không còn rực rỡ và lấp lánh như ký ức thời thơ bé. Mặc dù tiền bạc và những lo toan có thể khiến niềm vui của chúng ta phần nào bị sứt mẻ, nhưng không phải vì thế mà Tết thiếu đi những gam màu tươi sáng, đẹp đẽ. Vậy nên nếu chúng ta đã nỗ lực đủ nhiều, thu vén đủ tốt thì hãy cho phép bản thân tận hưởng những ngày Tết sum vầy, bình yên bên gia đình.
Tết cho chúng ta cơ hội để tụ họp và gặp lại những gương mặt thân quen đã lâu không thấy nhau. Đó là bạn học cũ, các cô dì chú bác làm ăn từ phương xa về đoàn tụ, những thầy cô thân yêu của những năm cấp sách đến trường,… Bạn sẽ được ngồi lại, chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện bạn và họ đã trải qua trong suốt một năm dài. Để rồi những mối quan hệ “lỏng lẻo” nay được “thắt chặt”, yêu thương thêm lan tỏa và bạn lại có thể một mùa Tết nữa để nối dài yêu thương.
Tết cũng chính là khoảng thời gian tuyệt diệu cho bản thân chiêm nghiệm và tự soi lại chính mình trong tấm gương cuộc đời. Chúng ta là ai? Đã nỗ lực và chăm chỉ đủ nhiều chưa? Những thành quả đạt được là gì? Khó khăn gì đã xảy ra và bạn đã vượt qua nó như thế nào? Mục tiêu của năm mới là gì? Khi nào thì dự định hoàn thành?
Có thể năm qua không phải là một năm trọn vẹn, có thất bại và thành công, có tiếc nuối và viên mãn, nhưng chúng ta vẫn nên cảm ơn bản thân vì những cố gắng và nỗ lực để sẵn sàng cho một năm mới tốt hơn, trưởng thành hơn.
Dù thời gian khắc nghiệt và trưởng thành cắt xén bớt niềm vui, Tết vẫn là một sự kiện ý nghĩa và đặc biệt với mỗi người Việt. Ai cũng hiểu rằng, chúng ta thay đổi từng ngày theo thời gian. Chúng ta của năm sau có thể rất khác so với chúng ta của hiện tại. Nhưng điều quan trọng nhất mỗi dịp Tết về là chúng ta nhận ra mình đã trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn và biết rõ bản thân cần thay đổi như thế nào trong 365 ngày kế tiếp. Bởi khi tràn đầy niềm tin và nỗ lực hết mình, thứ áp lực ngày Tết của người trưởng thành sẽ chỉ còn là niềm hạnh phúc đong đầy và tương lai tươi sáng đầy hứa hẹn.