Một nàng dâu lấy chồng xa quê, đón năm mới ở nhà chồng sẽ có những tâm sự gì vào ngày Tết?

Ngày trước nghe thấy câu hát: “Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa, Giờ đây nhớ mẹ thương cha, Còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm. Xa xăm nơi chốn bưng biền”… mình còn nghĩ rằng: bây giờ các phương tiện phát triển, chuyện lấy chồng gần xa đâu còn quá quan trọng nữa đâu. Từ Hà Nội đến Sài Gòn chỉ cách có 2h bay, vậy nên chuyện đi lại đơn giản mà, đâu có khổ như ngày xưa thời các cụ nữa.

Vậy nên, sau này mình lấy chồng xa thật. Từ nhà chồng mình đi về nhà ba mẹ đẻ khoảng 200km, mất 6 tiếng đi ô tô. Hồi mới về làm dâu, mình còn làm ở Hà Nội nên thấy việc đi lại rất nhẹ nhàng. Một tháng về thăm ba mẹ một lần, lên xe ngủ một giấc là tới nhà. Cho đến khi mang bầu và sinh con, mình mới thấy, lấy chồng xa vất vả như thế nào, nhất là khi Tết đến.

Nhớ những ngày Tết bên gia đình

Năm đầu tiên ở nhà chồng cũng là năm đầu tiên trong cuộc đời mình đón Tết xa nhà. Vài năm trước, mình đi làm tận Sài Gòn. Lúc ấy mới ra trường, lương cũng chưa có nhiều, mà vé máy bay Sài Gòn – Hà Nội ngày Tết lúc nào cũng đắt, có khi còn hơn cả 1 tháng lương, nhưng chưa năm nào mình không đón Tết ở nhà. Thậm chí mình còn đặt vé về sớm để chuẩn bị đón Tết với gia đình cho tươm tất.

Tết với mình năm nào cũng là những hồi ức đẹp đẽ. Ở quê mình, cứ từ 23 tháng Chạp trở đi là nhà nào nhà nấy rục rịch trang trí và chuẩn bị đồ ăn Tết. Cả nhà mình sẽ cùng dọn dẹp, quét mạng nhện, lau bàn ghế. Rồi mình và em gái sẽ đi sang nhà bác xin cành đào, cành bồng bồng về cắm lọ. Đi ra vườn hoa mua hoa cúc, hoa ly về cắm, và trang trí lên cơ man nào những lì xì, bóng bay.

tâm sự ngày tết 1
Những cái Tết có ba mẹ quây quần đã trở thành ký ức đẹp đẽ

Nhà mình năm nào cũng tự gói bánh. Cảm giác mọi người xung quanh rục rịch chuẩn bị lá, gạo, củi rồi nhờ nhau đi gói bánh hộ thật rộn ràng. Mình cũng gói bánh khá giỏi nên hay được mấy bác gần đó nhờ. Mỗi người một tay, người rửa bánh, người đãi gạo, vừa gói vừa nói chuyện, kể chuyện trong năm. Cứ thế mấy chục cái bánh chưng dài, chưng vuông đẹp đẽ xong lúc nào không hay.

tâm sự ngày tết 2
Không khí cả gia đình làm bánh lúc nào cũng thật rộn ràng

Hay khi cùng mấy chị hàng xóm cùng nhau làm mứt Tết. Món mứt dừa quốc dân vừa dễ làm, dễ ăn lúc nào cũng được trưng dụng. Lắm hôm, mấy chị em thức đến tận 11h – 12h để để sên mứt. Vừa ngồi sên, vừa cắn hướng dương vừa tám chuyện. Mải ngồi đến nỗi đứa nào đứa nấy khô hết mặt nhưng nhìn thành quả ai cũng vui lắm.

Tầm 25 tháng chạp trở đi là sáng nào cũng nghe thấy tiếng lợn kêu khắp xóm. Mọi người ở quê mình thường cùng chung nhau đụng một con lợn để ăn Tết. Con lợn ấy đã được nuôi đến cả năm chỉ bằng rau cám nên thịt thơm ngon hơn lợn mua ngoài chợ. Sau khi thịt, mọi người sẽ tranh thủ làm lòng, thịt bóp, thịt luộc bày ra vài mâm cỗ mời anh em họ hàng đến ăn tất niên. Vậy nên, từ hôm ấy, nhà mình đi ăn tất niên suốt. Không khí đón Tết rộn ràng như vậy khiến Tết trở nên thật đặc biệt.

Nhưng điều mình thích nhất chính là ngày 30 Tết. Buổi chiều, gia đình mình sẽ ra mộ thắp hương cho ông bà. Rồi về nhà đốt vài lá thơm, bồ kết xông nhà và chuẩn bị cơm cúng. Buổi tối sau khi dọn dẹp xong, mình sẽ chuẩn bị kẹo bánh, mứt, hạt hướng dương ra sẵn để ngồi xem Táo quân. Và tranh thủ chợp mắt một chút để giao thừa dậy xem pháo hoa, đón thời khắc sang năm mới cùng gia đình.

tâm sự ngày tết 3
Khoảnh khắc đón giao thừa với gia đình thật hạnh phúc biết bao

Cứ thế, những ký ức về ngày Tết ấm áp và rộn ràng khiến mình nhung nhớ bao nhiêu. Thì khi ở nhà chồng mọi thứ đều khác bấy nhiêu. Không có họ hàng rủ nhau đụng lợn, làm bánh. Không có những buổi tối thức khuya sên mứt. Không có chị em cùng nhau dọn dẹp và chuẩn bị trang trí nhà cửa. Mọi việc lúc ấy tưởng chừng như thật bỡ ngỡ, lạ lẫm khiến mình hụt hẫng. Cảm giác trống trải, nhung nhớ ùa về. Lúc ấy, mình mới ước giá như lấy chồng gần hơn để có thể về ngay với ba mẹ.

Gia đình chồng ấm áp là niềm an ủi lớn

Thực sự thì những năm đầu về làm dâu, hẳn cô gái nào cũng cảm thấy nhớ nhà khôn nguôi. Muốn được về quê, ăn mâm cỗ Tết đơn sơ nhưng ấm áp bên ba mẹ. Những lúc ấy, nếu gia đình chồng tình cảm ấm áp sẽ là niềm an ủi lớn.

Mình cảm thấy thật may mắn khi có một gia đình mới như vậy. Tuy không có gói bánh, làm mứt thì nhà mình vẫn cùng nhau dọn nhà, làm đồ ăn đón Tết, tâm sự với nhau ngày Tết nên chuẩn bị những gì. Mình và chồng sẽ cùng đi mua sắm, trang trí. Có các cháu trong nhà vui đùa, có anh chị em của chồng sang chơi, nói chuyện, không khí cũng tất bật, rộn ràng. Ba mẹ chồng sợ mình nhớ nhà nên cũng hay trò chuyện, quan tâm như con ruột, giúp mình quên đi cảm giác trống trải.

tâm sự ngày tết 4
Không khí đón Tết ở nhà chồng khá lạ lẫm nhưng cũng đầy tình cảm

Đến đêm giao thừa, nhà mình sẽ cùng nhau đi xuống sân bóng thị trấn để xem pháo hoa. Chưa bao giờ mình được xem pháo hoa gần như thế. Cảm giác đếm ngược từ 10 về 1 vào thời khắc giao thừa thật hồi hộp. Những trạng pháo hoa lấp lánh khiến mình trở nên háo hức và vui vẻ hơn.

Các chị em gái thường lo lấy chồng rồi không biết Tết có được về nhà ba mẹ đẻ nữa không? Mình rất sợ việc về hay không về nhà ngoại khiến vợ chồng to tiếng cãi nhau, nên đã bàn trước với chồng là xin nghỉ làm sớm, về nhà ngoại chơi 4 – 5 ngày đến tầm 28 – 29 Tết thì về nhà ba mẹ chồng. Và chồng mình cũng khá tâm lý, sợ vợ buồn nên cũng suy nghĩ như vậy. Thế là mình tuy không được ở nhà mấy ngày Tết chính thì trước đó vẫn được tận hưởng khoảnh khắc cuối năm rộn ràng cùng gia đình.

Công việc của mình cũng trở nên nhẹ nhàng hơn khi có chồng phụ giúp. Chúng mình cùng đi mua cây đào, cây quất. Cùng nhau đi chơi tặng quà cho nhà họ hàng. Cùng nhau nấu ăn, làm bếp. Cái Tết đã trở nên trọn vẹn, đầm ấm hơn.

tâm sự ngày tết 5
Có chồng, mình có thêm một người chuẩn bị Tết

Còn năm nay, vì có con nhỏ nên chúng mình quyết định trước Tết chỉ có chồng về thăm ba mẹ thôi. Còn cả gia đình sẽ về ăn Tết nhà ngoại vào mùng 3 – 4 gì đấy. Như thế là vẹn cả đôi đường đúng không nào?

Chuyện ăn Tết ở đâu thay vì tranh cãi hay đặt mình vào vị trí của nhau

Ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại luôn là đề tài tranh cãi của các cặp vợ chồng hai quê những ngày giáp Tết. Nhất là ở những cặp vợ chồng có hai nhà cách xa nhau hàng trăm cây số. Người Việt mình thường có quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng”… Vậy nên ăn Tết ở nhà chồng là lẽ đương nhiên. Rất nhiều cô gái đã giấu đi nước mắt nhớ nhà, nhớ ba mẹ vào thời khắc giao thừa mà không dám tâm sự cùng ai.

Ăn Tết xa nhà, nhớ ba mẹ là chuyện rất bình thường. Nhưng mình nghĩ nó không đáng để xảy ra tranh chấp cãi vã. Nhiều người nói, mình may mắn vì lấy được chồng và gia đình chồng tâm lý. Nhưng thực sự mình nghĩ rằng, nó được quyết định rất lớn bởi thái độ và cách suy nghĩ của nàng dâu.

Mình biết rằng, nhà chồng có mỗi chồng mình là con trai, còn chị gái cũng đã đi lấy chồng. Vậy nên việc xin về nhà ba mẹ đẻ đón giao thừa thực sự là rất khó. Do đó, mình đã gạt bỏ ý định ấy ngay từ đầu. Thay vào đó, mình sẽ rủ chồng về ngay trước Tết và sau Tết để quây quần cùng ba mẹ. Sắm Tết, chuẩn bị từ trước. Đến giao thừa thì gọi video cùng trò chuyện và gửi lời chúc năm mới.

tâm sự ngày tết 6
Gia đình nào cũng là gia đình, vậy nên thay vì tranh cãi hãy lựa chọn thứ thích hợp nhất

Mình nghĩ rằng, vợ và chồng đều phải coi ba mẹ hai bên như ba mẹ đẻ của mình, quan tâm, đối đãi chân thành không phân biệt. Nếu mình muốn chồng coi ba mẹ mình là gia đình thì mình cũng phải coi ba mẹ chồng như thế. Vậy thì Tết nhà nội hay nhà ngoại đều là gia đình.

Thay vì cứ mãi tranh cãi, giận hờn, chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc, lên kế hoạch trước cho những ngày lễ, Tết. Chẳng hạn, chọn về nhà ngoại trước hoặc sau Tết, 2-3 năm thì vợ chồng về nhà ngoại đón giao thừa một lần. Đặt mình vào vị trí của nhau, nghĩ cho nhau một chút, làm sao đưa ra giải pháp chung để vừa hài lòng, vừa theo điều kiện thực tế.

Nếu vấn đề đến từ mẹ chồng, thì mình nghĩ người chồng chính là cầu nối trò chuyện và giải thích cho mẹ hiểu và thông cảm cho vợ. Chỉ cần chồng tâm lý và biết cách nói chuyện hợp tình hợp lý thì ắt sẽ không thấy khó. Còn nếu không thì chắc những nàng dâu học cách lấy lòng mẹ chồng một chút để vẹn cả đôi đường.

Còn nếu vẫn không thể cân bằng đôi bên, thì mình nghĩ rằng, chị em cũng không nên quá cố chấp mà xảy ra tranh cãi, bỏ nhà chồng về nhà mẹ đẻ. Đâu cứ Tết chúng ta mới về thăm ba mẹ? Bất cứ thời gian nào rảnh sắp xếp để về với ba mẹ đều là điều đáng quý.

Phụ nữ lấy chồng xa vẫn có thể về ăn Tết cùng ba mẹ đẻ là một điều tốt, nhưng quan trọng nhất là phải có được sự đồng thuận, vui vẻ của cả hai bên gia đình. Có như thế ba mẹ mới cảm thấy yên tâm, hạnh phúc. Vậy nên thay vì tranh cãi, chị em chúng mình hãy thuận theo điều kiện thực tế, học cách nhìn mọi việc tích cực và lựa chọn khôn khéo sẽ giúp cả gia đình đón Tết vui vẻ. Nếu nàng có tâm sự gì vào ngày Tết, hãy kể cho EM để chúng mình cùng chia sẻ với nhau nha. Chúc cho tất cả chúng ta – những người phụ nữ lấy chồng xa – có một mùa Tết ấm áp và trọn vẹn yêu thương!

5/5 (1 Review)