Ở bài Kem Trộn: Tác Hại Và Cách Nhận Biết, qua comment tớ nhận ra rằng bây giờ có quá nhiều quá nhiều bạn vẫn bị lừa bởi mấy loại kem thuốc độc. Giờ kem trộn tinh vi quá, PR quảng cáo khẳng định 1 tỷ % là kem của mình không phải kem trộn, mà là kem cốt (Thái Lan, Nhật Bản, gia truyền, độc quyền…). Người mua thấy khẳng định thế thì cũng mừng, tin là mình không dùng phải kem trộn. Ừ thì nó không gọi là kem trộn, nhưng bạn đâu hay biết rằng bọn kem cốt kem ủ trắng da gì gì đấy và kem trộn lại là anh em 1 nhà với nhau.

Tự cảm thấy bài Kem trộn là chưa đủ để cảnh tỉnh các bạn nên tớ viết thêm 1 bài này, thực lòng mong rằng các bạn sẽ tỉnh táo và sáng suốt hơn trong việc chọn mua mỹ phẩm. Trên báo Sài Gòn Giải Phóng có 1 bài viết về Kem Cốt – Công Thức Thần Thánh rất hay như thế này:

Hiện nay, một bộ phận lớn sinh viên, học sinh, công nhân, nhân viên văn phòng… đang phát sốt với một mặt hàng mỹ phẩm dưỡng da “nhiều không” – không nhãn mác, không thành phần, không nguồn gốc rõ ràng… – dưới cái tên KEM CỐT. Công thức làm kem được che đậy dưới 2 chữ “bí truyền”, “độc quyền” và thành phần của kem nghe qua rất kêu nhưng chung chung và không có ý nghĩa gì, như “cốt kem”, “siêu hoạt tính”, “dưỡng chất tái tạo da” hay sữa dê, nhân sâm, ngọc trai, vitamin, thảo dược…

Đến chợ Thái Bình (Q.1, TPHCM), không khó để tìm đến gian hàng của cô Năm bán kem cốt nổi tiếng nhất chợ. Tại đây, kem trắng da không bán theo lọ mà bán theo phần, mỗi phần gồm nhiều loại kem khác nhau trộn lại có giá 70.000 đồng. Theo lời cô Năm thì “kem sử dụng công thức thẩm mỹ viện, các chị làm văn phòng rất thích dùng”.

Không ít bạn gái trẻ hay bà nội trợ thường dành thời gian tìm hiểu mỹ phẩm trên Internet sẽ không khó thấy các loại kem cốt, kem sâm xuất xứ “Thái Lan”, “Nhật Bản”, “Hàn Quốc”… được bày như một “ma trận” với những lời chào mới có cánh và đều mang danh “bí quyết gia truyền”. Hầu hết “bà chủ” các cửa hàng mỹ phẩm online này đều là những cô gái xinh đẹp từ vóc dáng đến làn da, làm tăng sự tin tưởng của người mua vào sản phẩm. 

Thử chat hỏi về thành phần kem, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Công thức độc quyền, không thể chia sẻ được, nhưng chị cứ yên tâm dùng”. Có nhiều chỗ bán cam kết hoàn tiền gấp 5, 10 lần nếu da không trắng đẹp sau khi dùng hộp mỹ phẩm đầu tiên.Nhiều bạn gái trẻ hiện rất cảnh giác với kem trộn có chứa corticoid gây hại da, nhưng lại tin dùng kem sâm, kem cốt. Một nữ sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng hồn nhiên: “Giờ ai còn xài kem trộn, có corticoid độc lắm. Tụi em toàn bôi kem cốt Thái Lan. Kem trộn bền bệt, rin rít mùi khó chịu, kem cốt thơm, mềm dẻo, thấm nhanh. Em xài mới 2 tháng mà da trắng bóc”. Giá một hộp kem cốt Thái Lan từ 300 – 400k, có loại tới 1 triệu đồng. Thử liên hệ một người tên Ng., số điện thoại 0164216…, chúng tôi được biết nếu mua sỉ, số lượng lớn thì giá 150-200k/hũ. Và, để trở thành chi nhánh kinh doanh mặt hàng này, chỉ cần vốn 2-3 triệu đồng là có thể bắt đầu với tiền lãi vài trăm ngàn/sản phẩm.

Đẹp đâu không thấy…

Chị Nguyễn Thúy H. (Q.1, TPHCM) từng xài kem trộn, kem cốt suốt một thời gian dài và cuối cùng trở thành nạn nhân của corticoid. Thời gian đầu sử dụng, da trắng mịn lên trông thấy nên chị H. phấn khởi quyết định gắn bó lâu dài với loại kem này. Sau một thời gian sử dụng, da chị H. ngày càng mỏng, có thể thấy rõ những đường gân đỏ trên mặt mà trước đây không thấy, tiếp theo, da chị xuất hiện những nốt đỏ li ti, lan nhanh và ngày càng ngứa ngáy khó chịu. “Mình cũng đoán do kem trộn nên ngưng sử dụng, nhưng các nốt đỏ mới xuất hiện, các nốt cũ bị bong tróc, da rát, ngứa và các quầng đỏ mọc đầy mặt…”, chị H. kể.

Đến nay, sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Da liễu, da chị H. cơ bản đã bình phục nhưng những vết nám chưa hết hẳn và xấu hơn làn da lúc chưa sử dụng kem. Các bác sĩ cho biết, da chị H. đã bị nhiễm độc vì sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid gây teo da nên cần thời gian để da tái tạo và phục hồi.

Theo các bác sĩ da liễu, hầu hết các thành phần trong kem trộn, kem cốt là corticoid, becozyme, hydroquinone, thủy ngân… gây bào mòn nên làm da trắng rất nhanh. Tuy nhiên, nếu bôi lâu ngày, corticoid sẽ làm teo da, giãn mạch. Sản phẩm chứa hydroquinone đã bị cấm bán ở Châu u, Nhật Bản và Úc vì gây ung thư. Thủy ngân nhiễm độc vào máu, tác dụng phụ là gây suy thận, gan, làm rối loạn tuần hoàn não, phát ban ở da, gây mất trí nhớ…

(Tớ xin nhắc lại, tất cả đoạn chữ màu ở trên được trích từ bài viết “Thị Trường Mỹ Phẩm: Vàng Thau Lẫn Lộn” của Bào Sài Gòn Giải Phóng, đây là link đầy đủ của bài viết http://www.sggp.org.vn/sggpt7/nhipsong/2014/5/349359/. Tớ không phải người trực tiếp làm phóng sự hay điều tra, chỉ là thấy thông tin HỮU ÍCH nên share cho mọi người cùng biết, vì vậy các bạn làm ơn đừng nói là tớ “rảnh hơi đi lê lết chợ trời hay quen biết rộng với mấy cô bán kem trộn ngoài chợ rồi đặt điều vu khống” hay là tớ “bịa chuyện dìm hàng” nữa nhé (tớ bị các bạn bán kem ném đá như thế nhiều lắm rồi). Trong bài báo còn nhắc đến nhiều vấn đề, cũng có nhắc đến tên 1 số thương hiệu mỹ phẩm kích trắng, kem cốt đang hot trên thị trường Việt Nam hiện nay, tuy nhiên vì đó là vấn đề nhạy cảm nên tớ sẽ không đưa lên trang cá nhân của mình, các bạn có thể vào bài viết tớ dẫn link ở trên để đọc chi tiết hơn nhé).

Nói chung, ở bài viết này, tớ chỉ muốn nhấn mạnh lại 1 số vấn đề sau đây:

1. Mấy thứ như kem cốt kích trắng, kem cốt Thái siêu đặc, kem ủ trắng, sữa non cô đặc, kem cốt vitamin, bùn ủ siêu trắng, rồi thì công thức độc quyền, bí truyền, thuốc bắc, hay mấy thứ đại loại thế, các bạn làm ơn tránh xa giùm nếu không muốn làn da của mình đẹp nhất thời nhưng vài năm sau sẽ xuống cấp và bị phá hoại nghiêm trọng.

2. Kem cốt hầu như đều sản xuất ở Việt Nam, Thái Loan hoặc Đài Loan, bán theo cân ở các chợ đầu mối rồi về được chiết ra lọ. Thành phần chính y hệt như kem trộn, chỉ là tinh vi hơn. Bây giờ người ta đã biết nhận diện kem trộn qua màu ngả vàng và mùi chua chua, bao bì xấu hoặc không nhãn mác, nên thế hệ 2 của kem trộn là kem cốt đã được khắc phục những nhược điểm này. Kem cốt có màu trắng, chất mịn, mùi thơm lừng và bao bì vỏ hộp cực sang cực đẹp, giá cả cũng khá đắt chứ chẳng rẻ rúm gì, nhìn vào chẳng ai nghĩ là “thuốc độc” cả (thực ra nguyên liệu đầu vào rất rẻ, chỉ là người ta cố tình đẩy giá lên để khiến người dùng nghĩ là “tiền nào của nấy”, và vì giá cao lãi nhiều nên các hotgirl kem trộn rất nhanh giàu).

3. Mấy cái feedback có thể làm giả, hoặc hoàn toàn có thể tự dùng các số điện thoại khác của mình để tự nhắn sang được. Bạn tin vào feedback trên mấy trang bán kem cốt trắng là đã dính bẫy 1 nửa rồi. Hoặc cũng có thể là feedback của khách thật, nhưng đó là thời gian khi mới bắt đầu dùng sản phẩm nên da đẹp, sau đó các shop chẳng bao giờ show ra những feedback khách kêu gào vì hậu quả đâu. Đây là 1 dịch vụ tạo comment tương tác mà tớ từng thấy trên Facebook để bạn biết là tớ không nói “điêu”

kem-tron-kem-cot-my-pham

4. Công ty, giấy phép lưu hành, giấy chứng nhận nhập khẩu, giấy kiểm nghiệm của viện Pasteur, bằng khen giấy khen giải thưởng nọ kia của nhà nước… đó không phải những thứ mà bạn có thể đặt 100% niềm tin vào. Tất cả đều có thể dùng 1 chữ “TIỀN” để mua được. Blogger Mrs.Méo có 1 bài viết lên tiếng về giấy tờ của 1 số thương hiệu mỹ phẩm đang nổi hiện nay, rất đang để bạn tham khảo đấy: Này Các Cô Gái, Sao Lại Ngu Ngốc Thế?

Còn nếu bạn vẫn không tin vào những cô nàng viết blog như bọn tớ, thì chắc bạn sẽ tin vào phóng sự được phát chính thức trên đài tuyền hình quốc gia VTV đúng không?

Trên webtretho cũng có 1 topic các chị em bàn luận rất nhiều về vấn đề này, nếu quan tâm thì bạn cũng nên đọc nốt Sự Thật Tàn Nhẫn Về Tắm Trắng Và Mỹ Phẩm Làm Trắng Da, trong topic này có rất nhiều thông tin hữu ích.

5. Cái này tớ đã nhấn mạnh rất nhiều lần rồi: Chu kỳ thay da của con người là từ 28-30 ngày, vì thế khi dùng một sản phẩm dưỡng da, để thấy rõ hiệu quả, chúng ta cần ít nhất ngần đó thời gian mới cảm nhận được. Tất cả các loại kem trộn kem ủ kem cốt quảng cáo là trắng hồng căng bóng hết mụn gì gì đó chỉ trong 10 ngày (nói chung là dưới 30 ngày) đều là THUỐC ĐỘC hết mà thôi.

Có ý thức làm đẹp là tốt, bỏ tiền tiền để làm đẹp là nhu cầu của số đông mọi người, nhưng làm đẹp một cách dễ dãi, thiếu hiểu biết khi liều lĩnh sử dụng các sản phẩm dưỡng da trôi nổi, không rõ nguồn gốc để rồi lãnh nhận trái đắng thì quả là điều đáng trách. Trong thời đại thông tin rộng mở như hiện nay, không khó để mỗi người tìm hiểu kiến thức chăm sóc cho làn da của chính mình. Một lần nữa, HÃY LÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG THÔNG MINH bạn nhé!

P/S: Nhấn mạnh lại 1 lần nữa, tớ chỉ là người tập hợp thông tin và chia sẻ lại, những thông tin đó đều được dẫn link, dẫn nguồn đầy đủ chứ không phải do tớ tự nghĩ tự bịa ra. Vì vậy, các bạn làm ơn đừng đè cổ tớ ra mà ném đá chửi bới bảo tớ xuyên tạc để dìm hàng người khác nữa. Tớ tập hợp những tin này chỉ với mục đích duy nhất là cảnh tỉnh để bảo vệ làn da của các bạn, mong các bạn hiểu cho tấm lòng của tớ, ai tin cũng được, không tin cũng chẳng sao, làn da của các bạn sau này như thế nào là do các bạn quyết định, tớ chỉ giúp được đến đây thôi. Chúc các bạn luôn là những người tiêu dùng thông thái.

——

Bài viết liên quan: Cách Điều Trị Và Phục Hồi Da Sau Khi Dùng Kem Trộn

4/5 (4 Reviews)