Dạo một vòng quanh các ứng dụng mạng xã hội chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ Hàn Quốc, Trung Quốc mặc trang phục cổ truyền đi trên đường phố, ngay cả trong cuộc sống thường ngày. Tại Việt Nam, xuất phát từ mong muốn tìm lại những nét văn hoá truyền thống, phong trào mặc cổ phục Việt từ một nhóm nhỏ đã lan toả và dần phát triển thành trào lưu trong giới trẻ.

Trang phục truyền thống Việt Nam đâu chỉ có áo dài!

Khi nhắc đến trang phục truyền thống nước ta, nhiều bạn chỉ nghĩ đến áo dài và biết mỗi áo dài. Tuy nhiên, cổ phục Việt không chỉ có vậy mà cả một kho tàng với nhiều loại trang phục khác. Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử chúng ta đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từng thời kỳ. Nổi bật trong số đó là cổ phục thời nhà Nguyễn: áo Nhật Bình và áo Tấc.

Áo Nhật Bình là trang phục của Hoàng tộc, là thường phục của Hoàng Hậu, Phi tần và Công chúa. Áo Nhật Bình là kiểu áo đối khâm, có cổ hình chữ nhật to bản chạy dọc từ cổ đến ngực. Hai vạt áo sẽ được dùng dây buộc lại. Cổ phục này có tên là “Nhật Bình” bởi hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực. Sau thời nhà Nguyễn, bộ áo này trở thành trang phục giới quý tộc mặc vào những dịp quan trọng.

áo nhật bình cổ phục triều nguyễn
Cổ phục triều Nguyễn: áo Nhật Bình

Còn áo Tấc là loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn thường được sử dụng trong các dịp trọng đại như kết hôn, lễ tết, tang lễ… Đây là loại trang phục phổ biến từ dân thường cho đến quan lại, vua chúa đều mặc vào thời Nguyễn. Loại áo này thường gồm một áo ngũ thân dài quá đầu gối với tay thụng dài bằng gấu (vì vậy còn được gọi là áo lễ hay áo ngũ thân), cài khuy bên phải, áo lót bên trong màu trắng. Mặc cùng với quần dài trắng và khăn vấn.

áo tấccổ phục việt
Cái tên “áo tấc” xuất phát từ phần viền áo rộng đúng 1 tấc (4 cm)
áo tấc nam
Áo tấc nam không có gì khác biệt so với nữ, cũng tay áo thụng, cổ áo cài khuy bên phải và vấn khăn trên đầu

Ngoài ra còn có rất nhiều những bộ cổ phục khác như:

  • Áo đối khâm (thời nhà Lý – Trần): Đây là cổ phục có hai vạt áo song song với nhau, được xẻ tà hai bên và thường dài đến chân váy của người mặc. Người ta sẽ mặc buông thõng hoặc dùng để làm áo khoác bên ngoài, do đó chúng ta có thể nhìn thấy được những lớp áo từ bên trong.
áo đối khâm
Áo đối khâm thường được phối theo một bảng màu nhất định mà màu nổi sẽ mặc bên ngoài, các lớp bên trong màu nhạt hơn và trong cùng là áo trắng
  • Áo giao lĩnh (thời Lý – Trần – Lê): Loại áo này có phần cổ giao nhau ở trước ngực, vạt trái đè lên vạt phải, tay áo chủ yếu là loại tay thụng và tay hẹp. Áo giao lĩnh có nhiều nét khá giống với trang phục cổ truyền của Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nhất là hai vạt váy trong và ngoài không bằng nhau. Đây cũng chính là một trong những bản sắc của cổ phục Việt Nam.
áo giao lĩnh
Áo giao lĩnh còn có tên gọi khác là trường lĩnh tràng vạt hay đối lĩnh
  • Áo ngũ thân (thời nhà Nguyễn sau năm 1744): Loại áo này khá đơn giản với 4 vạt chính và 1 vạt phụ, có cổ đứng, cài khuy bên phải, tay áo hẹp kết hợp với áo lót trắng bên trong và quần dài. Áo ngũ thân có màu sắc nhã nhặn, không có diềm cổ hay diềm tay áo.
áo ngũ thân cổ phục việt nam
Áo ngũ thân có 5 phần với 4 vạt chính và 1 vạt phụ, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho mình (người mặc).
cổ phục Việt 5
Áo ngũ thân nam với màu sắc tông trầm, hoạ tiết đơn giản.
  • Áo tứ thân (đầu thế kỷ 20): Đây là loại trang phục hàng ngày của người dân Việt Nam xưa. Áo tứ thân gồm hai vạt, bốn tà, dài từ cổ buông xuống dưới đầu gối chừng 20 cm. Áo có hai vạt trước và sau. Vạt trước tách thành 2 tà theo chiều dài. Vạt sau cũng tách làm 2 tà nhưng được khâu vào với nhau hình thành một đường dài gọi là sống áo. Áo này không có khuy, dài và có hai tay áo để xỏ vào khi mặc. Bên trong, con gái mặc yếm, rồi đến chiếc áo cánh mỏng màu trắng tinh và cuối cùng mới là chiếc áo tứ thân khoác bên ngoài.
áo tứ thân
Áo tứ thân là trang phục ngày thường của người dân lao động

Cổ phục Việt đâu chỉ có áo dài. Đúng vậy, nếu chịu khó tìm hiểu một chút hoặc tham gia những group về cổ phục trên Facebook hẳn bạn sẽ bất ngờ trước kho tàng cổ phục Việt.

Giới trẻ thổi luồng gió mới cho những bộ cổ phục Việt

Những năm gần đây, dưới sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ cũng như sự phát triển của các bộ phim, dự án nghệ thuật, một luồng gió tươi mới đã được thổi vào những bộ cổ phục Việt Nam, thu hút sự quan tâm đông đảo của những người yêu thích tìm hiểu văn hóa.

Đầu tiên phải kể đến nhóm Facebook Đại Việt Cổ Phong. Được ra đời từ năm 2014 bởi các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hoá cổ Việt Nam và có mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác nhất. Hiện nay group đã có trên 130,000 thành viên với lượng kiến thức đồ sộ về lịch sử văn hoá cũng như trang phục cổ truyền Việt Nam. Từ group rất nhiều những dự án tìm hiểu về cổ phục Việt (dự án khôi phục chiếc đèn lồng xưa, dự án “Hoa văn Đại Việt”…) , phục dựng các trang phục cổ truyền (dự án chiếc áo Giao Lĩnh thời Lê, dự án “Việt Nam cổ phục”…) đã hình thành tạo ra tác động rất lớn tới cộng đồng.

Đại Việt Cổ Phong cũng là nơi ươm mầm rất nhiều start-up về cổ phục Việt như:

Thương hiệu V’style – Việt Cổ Phục Cách Tân của bạn Nguyễn Thị Trang với các sản phẩm cổ phục truyền thống (phục vụ cưới hỏi, sự kiện, hoạt động nghệ thuật, chụp ảnh nghệ thuật,…) và cổ phục cách tân (phù hợp hơn với cuộc sống hàng ngày đi học, đi làm, đi chơi….).

cổ phục Việt 7
Một bộ cổ phục do V’style – Việt Cổ Phục Cách Tân thực hiện nhìn từ phía sau

Thương hiệu Ỷ Vân Hiên của chàng trai 9x Nguyễn Đức Lộc là một công ty chuyên thiết kế cổ trang với setup bài bản. Tuy mới thành lập gần 2 năm nhưng Ỷ Vân Hiên đã gặt hái được rất nhiều thành công khi thiết kế phục trang cho dự án phim cổ trang, MV ca nhạc nổi tiếng; tổ chức triển lãm ảnh cưới cổ trang và mở những workshop để chia sẻ thông tin, lan tỏa tình yêu, đam mê cổ phục với cộng đồng.

cổ phục Việt 8
Trang phục Nhật Bình trong bộ sưu tập “Cựu Kiến Tân – nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ” của Ỷ Vân Hiên
cổ phục Việt 9
Thiết kế áo dài ngũ thân của Ỷ Vân Hiên

Cùng với đó, các nhóm bảo vệ, bảo tồn di sản phi lợi nhuận đã được hình thành và bắt đầu tạo ra những tiếng vang nhất định như: Đình làng Việt (chia sẻ thông tin, kiến thức về đình làng), S.River (biên soạn một cuốn sách cẩm nang về các họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam), Chèo 48h (trải nghiệm và thực hành nghệ thuật chèo), Nguyên Phong Đoạn Lĩnh (phỏng dựng lại trang phục xưa)…

cổ phục Việt 10
Áo Nhật Bình được biết đến rộng rãi hơn kể từ khi được nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh phục chế qua bộ ảnh mang tên “Hiệp Sắc Vân Thường” (màu sắc hòa hợp đẹp tựa mây)

Cổ phục Việt được các nghệ sĩ hưởng ứng và lan toả mạnh mẽ

Song song với sự phát triển của các bạn trẻ, cổ phục Việt những năm gần đây cũng nhận được sự quan tâm đông đảo của giới nghệ thuật. Các dự án phim cổ trang, từ điện ảnh như “Quỳnh hoa nhất dạ” tới truyền hình như “Phượng Khấu”, các MV ca nhạc như “Không thể cùng nhau suốt kiếp” (ca sỹ Hoà Minzy) hay Hết Thương Cạn Nhớ (Đức Phúc) và Anh Ơi Ở Lại (Chi Pu) nối đuôi nhau lên sóng đã gây được tiếng vang lớn thu hút sự chú ý đông đảo của khán giả trong nước lẫn quốc tế.

cổ phục Việt 11
Bộ phim điện ảnh ‘Quỳnh hoa nhất dạ’ hé lộ câu chuyện về hoa quỳnh và cuộc đời Dương Vân Nga (Thanh Hằng vào vai) với trang phục rất hoành tráng

MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy hay “Anh ơi ở lại” của Chipu không chỉ được đầu tư về bối cảnh, nội dung đến từng chi tiết nhỏ, tạo hình, phục trang mô phỏng  các nhân vật cũng được đầu tư rất chỉn chu.

cổ phục Việt 12
Phục trang của nữ ca sĩ Hoà Minzy được mô phỏng hoàn hảo từ phong cách ăn mặc trước đây của Nam Phương Hoàng Hậu.
áo tứ thân cổ phục việt
Áo tứ thân cùng nón quai thao quen thuộc được ekip của Chipu thể hiện mượt mà qua tạo hình Tấm Cám và dân làng

Phượng Khấu bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam lấy bối cảnh thời Nguyễn cũng được đầu tư hơn 5 tỷ đồng để tạo nên hơn 500 bộ cổ phục công phu và chăm chút đến từng đường kim mũi chỉ.

cổ phục Việt 13
Tạo hình của các phi tần trong bộ phim Phượng Khấu cho thấy sự đầu tư bài bải về phục trang

Việc liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã khiến cổ phục Việt trở thành một trend mới được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Rất nhiều bạn trẻ đã không ngại đầu tư để có cho mình một bộ cổ phục mặc trong những dịp quan trong hay chụp những bộ ảnh cổ trang. Những cô gái Việt thướt tha trong bộ áo tấc đủ màu, áo Nhật Bình sang trọng, vấn đội đầu, guốc mộc, vòng ngọc… đã trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày.

áo nhật bình
MC Lan Nhi và NSUT Chiều Xuân diện trang phục áo Nhật Bình – cổ phục triều Nguyễn trong dự án “Vẻ đẹp cổ phục Việt”
đám cưới cổ phục việt
Nhiều cặp vợ chồng trẻ yêu văn hóa truyền thống còn quyết định diện áo Tấc, áo Nhật Bình trong ngày cưới của mình.

Trào lưu mặc cổ phục – Tương lai của quá khứ

Trước đây khi nhắc đến cổ phục nhiều người chỉ biết đến Hán phục (Hanfu) của Trung Quốc, Hàn phục (Hanbok) của Hàn Quốc và Hòa phục (Wafuku hay Kimono) của Nhật Bản. Nhưng hiện nay, với những nỗ lực phục dựng trang phục cổ Việt Nam của các bạn trẻ, khái niệm “Việt phục” đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đưa cổ phục Việt từng bước đứng ngang hàng với các nước trên thế giới.

học sinh mặc cổ phục
Trang phục truyền thống được các bạn trẻ đưa vào môi trường học đường một cách tự nhiên, thể hiện niềm tự hào và mong muốn gìn giữ những giá trị cổ xưa của dân tộc.

Những bộ trang phục của quá khứ được tạo nên một sứ mệnh mới trong cuộc sống hiện đại đã cho chúng ta thấy, giới trẻ hiện nay không phải không quan tâm tới lịch sử mà họ chỉ nghiên cứu và phát triển chúng theo cách của mình.

cổ phục Việt 17
Giới trẻ ngày nay dám nghĩ, dám làm, cầu thị, luôn lắng nghe và am hiểu công nghệ đó chính là tương lai phát triển của văn hóa Việt Nam.

Có thể thấy rằng cách tốt nhất để bảo tồn các di sản văn hoá là “cho chúng một đời sống trong xã hội hiện đại” (trích lời ông Kim Dong Il, Giám đốc Phát triển Sản phẩm Du lịch – văn hóa, Tổng cục du lịch Hàn Quốc) chứ không phải chỉ trưng bày và bảo vệ trong lồng kính.

Vậy nên, xin đừng quá khắt khe với giới trẻ, hãy mở lòng và đón nhận những hoạt động ấy. Hãy góp ý, giúp đỡ về chuyên môn, định hướng cách hoạt động để các hoạt động này có thêm cơ sở khoa học để trở nên quy mô, chuyên nghiệp hơn. Hoặc có thể tạo ra những dự án tiềm năng để thu hút đầu tư thay vì tự đóng góp, kêu gọi ủng hộ của cộng đồng. Để chúng ta cùng chung tay gìn giữ những nét đẹp của Văn hóa Việt và đưa văn hóa Việt vươn ra thế giới.

4.8/5 (12 Reviews)