Kem chống nắng là một bước không thể thiếu nếu bạn muốn có một làn da khỏe đẹp. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về loại kem bảo vệ này. Rất nhiều bạn nghĩ rằng “Trời râm mát thì không cần chống nắng“, “Đen sẵn rồi thì bôi kem chống nắng làm gì“, hay “Cứ phải chọn loại kem chống nắng có SPF cao thì mới tốt“… Đó hoàn toàn là những quan niệm SAI LẦM
Ở bài viết này, tớ sẽ tổng hợp 11 câu hỏi và câu trả lời giúp bạn hiểu rõ hơn và đúng hơn về kem chống nắng nhé.
Mục Lục
1. Dùng Kem Chống Nắng Sẽ Không Còn Lo Da Bị Đen Nữa?
Nghĩ như vậy là không đúng.
Chỉ có sản phẩm chống nắng cản được cả tia UVA và UVB (các tia này kích hoạt các tế bào hắc tố sản sinh melanin làm da sậm màu) mới giúp da không bị đen. Thậm chí nếu hoạt chất chống tia UV không bền dưới ánh nắng thì da bạn vẫn bị đen như thường. Hơn nữa, bạn cũng phải dùng đủ lượng kem chống nắng mới có thể đạt hiệu quả như mong đợi.
Các chuyên gia khuyên rằng nên sử dụng 2mg/cm2 (tức là khoảng 25-30gr cho toàn thân và 1/3 thìa café nếu dùng cho mặt) để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất.
2. Có Phải Chỉ Số Chống Nắng SPF và PA Càng Cao Thì Càng Tốt?
Không Sai. Nhưng Cũng Chưa Hẳn Là Đúng.
SPF (Sun Protection Factor) là định mức đo lường khả năng chống tia UVB của một sản phẩm chứ không phải là lượng chất chống nắng nhiều hay ít. Định mức quốc tế là 1 SPF = 10 đến 15 phút nếu bạn thoa đúng độ dày 0,2 mm kem lên da. SPF càng cao sẽ bảo vệ da dưới nắng được lâu hơn. Tuy nhiên tác dụng này không ổn định do bụi bậm, mồ hôi, ma sát, quần áo và nước.
Chỉ số SPF cao hơn không có nghĩa là sẽ bảo vệ da tốt hơn. Thực tế, không có loại kem chống nắng nào có khả năng chống tia tử ngoại tới 100%. Kem chống nắng có SPF cao thì khả năng lọc tia tử ngoại càng tốt, nhưng thực tế từ SPF 30 trở lên thì khả năng đó không chênh lệch nhau nhiều (điều này được thể hiện rất rõ ràng ở biểu đồ trên). Ví dụ sản phẩm có SPF30 lọc được khoảng 97%, nhưng SPF60 cũng chỉ lọc được 98% tia UVB mà thôi.
PA (Protection Grade of UVA) đo lường khả năng lọc tia UVA của 1 sản phẩm. PA càng nhiều dấu cộng thì khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA càng cao. Ví dụ PA+ chặn được 40-50% tia UVA- PA++ là 60-70% và PA+++ là 90%
Bạn nên chọn loại kem chống nắng có cả 2 chỉ số SPF và PA để được bảo vệ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, không phải 2 chỉ số này càng cao thì càng tốt. SPF và PA càng cao đồng nghĩa với khả năng các chất hóa học trong sản phẩm càng gia tăng, dễ dẫn đến các vấn đề khô da, kích ứng và nhạy cảm. Mức độ chống nắng vừa phải và an toàn thích hợp dùng hàng ngày cho da nhạy cảm và những vùng da mỏng là SPF25 đến SPF35, PA++. Khi đi biển hay ra ngoài trong những ngày trời nhiều nắng, bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ cao hơn với SPF từ 40 đến 50, PA+++
3. Trời Râm Mát Hay Âm U Nhiều Mây Có Cần Dùng Kem Chống Nắng Không?
Tất nhiên là có rồi.
Mặc dù trời không nắng hay đứng dưới bóng cây râm mát thì vẫn không thể tránh được bức xạ của tia tử ngoại. Mây chỉ giúp cho ánh nắng dịu bớt chứ không có tác dụng ngăn các tia UV. Gần 90% tia UV vẫn “vượt rào” thành công khi trời nhiều mây. Chúng cũng có thể phản xạ qua kính, nước, kim loại và tác động đến làn da mỏng manh của bạn. Vì thế bạn vẫn bị cháy nắng dù đứng trong bóng râm. Cả khi ngồi ô tô, nếu xe không có loại kính đặc biệt chắn tia UV thì bạn vẫn cần kem chống nắng.
4. Gần Sát Giờ Ra Ngoài Mới Nhớ Ra Thoa Kem Chống Nắng Có Được Không?
Được, thà vậy còn hơn là không thoa. Tuy nhiên làm như thế sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Kem chống nắng cũng giống như những loại kem dưỡng da khác đều cần một khoảng thời gian để có thể thẩm thấu vào da. Vì vậy nên thoa kem chống nắng truớc khi ra ngoài khoảng 15-20 phút và nên thoa kem trước 30 phút khi ra bể bơi hoặc bãi biển. Nên tập cho mình thói quen sử dụng kem chống nắng, có như thế thì bạn mới không để đến lúc ra ngoài nắng rồi mới nhớ ra, lúc đó thoa kem cũng không có mấy tác dụng.
5. Gì Mà Làm Quá Vậy, Tôi Thấy Ra Nắng Chỉ Đen Đi Tí Thôi Chứ Có Hại Gì Đâu?
Đen sạm da chỉ là cái hại nhỏ xíu chúng ta nhìn được ngay thôi.
Trong ánh nắng có 3 tia gây hại là UVA, UVB, UVC
UVC: tia gây ung thư da, bị ngăn bởi tầng Ozon, rất may mắn là tầng Ozon tại Việt Nam chưa bị thủng nên vẫn còn tác dụng chăn tia UVC truyền tới mặt đất. Trong khi đó, ở những nơi có tầng Ozon bị thủng hoặc mỏng thì nguy cơ ung thư da từ UVC là rất lớn. Hầu hết các loại kem chống nắng không có tác dụng chống UVC.
UVB: hoạt động lúc 9h-14h, mạnh nhất vào mùa hè, tác động vào lớp biểu bì, gây cháy nắng, sạm da, rát da. UVB không xuyên qua được kính nhưng có thể phản xạ qua kính và mặt nước. Đa số các loại kem chống nắng đều chống được UVB, nhưng không phải loại kem nào cũng chống được UVA.
UVA: hoạt động lúc 14h-18h,luôn hiện diện bất kể mùa nào trong năm, cho dù trời nắng hay không. Thậm chí còn hoạt động mạnh nhất lúc trời râm mát, đặc biệt sau khi mưa. UVA xuyên được qua kính và nhiều loại vải. Tia này tác động vào trung bì, làm ảnh hưởng đến các gốc tự do, collagen, elastin, và các thành phần khác, gây nên hiện tượng lão hóa, kém đàn hồi, nếp nhăn, chảy xệ, nám dưới da. UVA còn gián tiếp gây ung thư và đột biến DNA.
6. Tôi Đen Sẵn Rồi Thì Chống Nắng Làm Gì?
Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Dùng kem chống nắng không phải chỉ để không bị đen đi. Mọi làn da đều có nguy cơ lão hóa và ung thư da bởi ánh nắng. Một chuyên gia da liễu người Anh đã khẳng định: “Rất nhiều người nghĩ rằng cháy nắng 1 chút không sao. Tuy nhiên, nằm dài dưới nắng mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào thì chẳng khác gì bạn hút tới 80 điếu thuốc/ngày”.
7. Thuốc Chống Nắng Đường Uống Có Thể Bảo Vệ Tôi Khỏi Ánh Nắng?
Đúng, Nhưng Chưa Đủ.
Các viên uống chống nắng thường chứa các chất chống oxy hóa mạnh như chiết xuất trà chanh, dương xỉ giúp làn da chống lại sự tàn phá từ tia cực tím. Tuy nhiên, bạn vẫn nên phối hợp cả hai cách uống và thoa. Kem chống nắng sẽ là lá chắn an toàn đầu tiên cho da và các viên uống bổ sung sẽ hỗ trợ việc phục hồi những hư tổn, lão hóa, cháy nắng…
8. Kem Chống Nắng Có Thể Giảm Dần Tác Dụng Theo Thời Gian?
Chính xác.
Theo thời gian, mọi loại mỹ phẩm đều mất dần hiệu quả. Tuy rằng hạn sử dụng của các loại kem chống nắng là khoảng 3 năm, nhưng tốt nhất, nên loại bỏ các tuýp kem sau 1 năm mở nắp. Ngoài ra, trên lý thuyết nhiều sản phẩm chống nắng SPF cao có thể bảo vệ da tới 8 tiếng, nhưng dưới tác động của môi trường, mồ hôi, nước hay sự ma sát, chúng có thể bị giảm tác dụng. Vì vậy bạn nên thoa lại sau mỗi 3-4 tiếng.
9. Nếu Tôi Còn Dưỡng Da Và Trang Điểm Nữa Thì Dùng Kem Chống Nắng Như Thế Nào?
Bạn nhớ nhé, quy trình apply các sản phẩm lên mặt sẽ là: skincare (dưỡng) -> kem chống nắng -> makeup. Nếu dùng kem chống nắng đầu tiên thì sẽ tạo một lớp màng chắn bảo vệ khiến các dưỡng chất của sản phẩm skincare không thẩm thấu vào da được, có dưỡng cũng vô ích. Còn nếu thoa kem chống nắng sau khi makeup thì sẽ làm nhòe nhoẹt hỏng hết lớp trang điểm xinh đẹp của bạn mất thôi.
Còn một vấn đề liên quan nữa, các sản phẩm makeup và dưỡng da ban ngày thường cũng có cả thành phần chống nắng. Vậy thì khi đè các lớp lên nhau, làm sao chúng ta biết được da mình đang được bảo vệ bởi SPF bao nhiêu?
SPF không thể cộng vào được, vì vậy chỉ số chống nắng cho da của bạn sẽ là mức của sản phẩm có SPF cao nhất. Ví dụ: bạn dùng kem dưỡng có SPF15, kem chống nắng SPF45 và kem nền (BB/CC cream) SPF20 thì chỉ số chống nắng cho da bạn lúc này là 45 nhé.
10. Cách Chọn Sản Phẩm Chống Nắng Phù Hợp?
Phần này khá dài nên Hannah sẽ tách ra thành một bài riêng, các bạn tham khảo bài viết Kem Chống Nắng Nào Tốt Nhất Cho Làn Da Của Bạn để hiểu rõ hơn nhé.
11. Sử Dụng Kem Chống Nắng Như Nào Để Hiệu Quả Nhất?
Để sử dụng kem chống nắng đúng cách và hiệu quả, bạn cần thực hiện tốt 2 điều sau:
– Bôi đủ: tớ đã nhắc đến ở phần trả lời câu hỏi 1, các chuyên gia khuyên nên dùng 2mg kem chống nắng trên 1 cm2 da (tức là khoảng 25-30gr cho toàn thân và 1/4 đến 1/3 thìa café nếu dùng cho mặt) để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất. 1/4 đến 1/3 thìa cà phê tương đương với 1 lượng kem trải đều từ gốc đến đầu ngón tay trỏ. Các bạn sẽ “ố, á, sao mà nhiều thế …” hay đại loại vậy. Nếu bạn không bôi đủ thì thà khỏi bôi vì lớp “áo” quá mỏng sẽ không thể bảo vệ che chắn được cho da. Và thay vì chống được vài giờ đồng hồ như ta đã tính chỉ số SPF thì nó chỉ chống được vài chục phút cho đến 1h… có khi còn chẳng được ý. Vậy nên bạn nhớ là không được quá tiết kiệm kem chống nắng đâu nhé.
– Bôi đúng: Cho kem vào lòng bàn tay, tán đều và vỗ lên mặt. Vừa vỗ vừa áp cho kem thấm đều lên da. Không nên xoa tròn như khi tẩy trang hay dùng kem dưỡng vì khi làm như vậy, một phần kem sẽ tan vào trong lớp dầu tự nhiên của da và bị lỏng ra, làm giảm tác dụng của kem chống nắng. Đồng thời cách bôi này giúp kem thấm nhanh hơn, khô thoáng và đều hơn. Nếu da bạn không hấp thu được một lượng nhiều thì bạn có thể chia kem thành 2 lần bôi, vỗ đều giữa 2 lần là được. Sau 10 phút, nếu da bạn đổ dầu thì hãy dùng giấy thấm dầu để giúp da mặt khô thoáng hơn, hoặc bạn có thể sử dụng một lớp phấn phủ để hút bớt đầu cũng được nhé.
Viết về kem chống nắng thật là mệt vì có bao nhiêu vấn đề cần phải nói. Trên đây mới chỉ là những câu hỏi phổ biển nhất thôi, nếu bạn có thêm đóng góp hay thắc mắc gì thì comment bên dưới để mình cùng thảo luận nhé!
Chúc các bạn luôn xinh.
Cho mình hỏi khi trang điểm mà phải bôi lại kem chống nắng thì làm thế nào?Và có thể dùng kem trang đỉêm BB có chỉ số chống ắng để thay kem chống nắng đựơc không?
Bạn ơi trước kia trang điểm tôi rửa mặt sạch sẽ rồidùng lotion, rồi kem dưỡng xong đến kem chống nắng , xong đánh phấn nền mà nó cứ bị vón vào như là ghét ý, vậy tại sao bị như vậy? ? Mong bạn chia sẻ kinh nghiệm với