Tớ cùng người thương vào 1 ngày sau Tết bỗng nổi hứng muốn đi Bali, và thế là bọn tớ quyết định đến đó 3 tuần, không phải để chơi, mà để sống và cảm nhận văn hoá. Bọn tớ ở tận 20 ngày, thuê căn villa nhỏ xinh, cả tuần ở trong villa làm việc (bạn biết đấy, công việc của tớ hoàn toàn chỉ cần 1 chiếc laptop có kết nối wifi thôi), đến bữa ra phố ăn uống rồi lại về, cuối tuần mới ngừng việc để đi đây đi đó. Vì vậy bài viết này không thể đi theo hướng Kinh Nghiệm Du Lịch được.

Tớ xin phép chỉ viết về cảm nhận của bản thân và những điều mình trải nghiệm được trong gần 1 tháng sống ở Bali thôi. Đây là lần đầu tớ viết bài “không liên quan đến làm đẹp” trên blog, các bạn rảnh thì đọc cho vui nhé.

du lich bali 1

3 tuần ở Bali – hòn đảo yên bình có núi, có biển, có cánh đồng lúa trải dài, có những ngôi đền thiêng nổi tiếng của đất nước Indonesia vắt ngang đường xích đạo…

Đây là nơi mà con người sống cùng với thần linh và quỷ dữ êm ả mỗi ngày, bước tới đâu cũng thấy những bức tượng đầu thú mình người hay đầu người mình thú với đủ các tư thế và biểu cảm từ hiền lành tới dữ tợn. Người dân ở đây làm nghi thức cũng lễ 3 lần mỗi ngày tại nhà với gạo, nước, hoa và trái cây trong 1 chiếc đĩa nhỏ đan bằng mây tre hoặc lá, đặt trên cao cho thần linh, dưới đất cho ma quỷ để cầu may mắn và bình yên.

du lịch bali
Lễ vật cầu may của người dân Bali. Đi ngoài đường thấy trước cửa nhà ai cũng có, tài xế nào cũng để 1 chiếc trong ô tô, đi chùa thì những ngưỡi dâng hương cầu nguyện đều dâng cúng thứ “lễ” đó. Chỗ bọn tớ ở, sáng nào cũng được người quản lý khu villa đặt 1 chiếc trước cửa nhà.

Người ta gọi Bali là mảnh đất của 1000 ngôi đền, nhưng thực tế Bali có tận hơn 20.000 ngôi đền quanh đảo, nổi tiếng trong đó là các đền Uluwatu, Tana Lot, đền mẹ Beskih hay đền Tirta Empul với dòng nước thần gột rửa mọi điều xấu… Nghiễm nhiên người dân nơi đây luôn chọn những vị trí đẹp nhất cho các ngôi đền với tất cả lòng tôn kính thần linh của họ: trên núi cao hoặc lưng dựa núi, nhìn hướng ra biển và thường là nơi đẹp nhất để ngắm mặt trời lặn buổi hoàng hôn.

đến Tirta Empul
Đền Tirta Empul (Holy Spring Water Temple) có tuổi đời trên 1000 năm, là một trong những ngôi đền cổ và quan trọng nhất ở Bali. Mọi người đến Tirta Empul hầu như đều vì dòng nước thần nổi tiếng. Tất cả trai gái đều phải mặc sarong, xếp hàng ngâm mình xuống làn nước trong vắt (có cả cá bơi và siêu lạnh), đi qua từng cột nước thánh để thanh tẩy bản thân, gột rửa trong mình quỷ dữ và những linh hồn xấu, làm sạch đầu óc giúp trí tuệ thông thái và mang lại thịnh vượng cho những người được may mắn tắm mình trong đó.
den uluwatu bali
Hoàng hôn ở đền Uluwatu

Bali được mệnh danh là đứa con lai của nền văn hoá Á, kiến trúc nơi đây có sự kết hợp của cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Phật. Đều này được giải thích bằng 1 câu chuyện lịch sử có từ xa xưa, rằng hồi đó hoàng gia nơi đây sống ôn hoà theo đạo Hindu và đạo Phật, nhưng 1 ngày có vị hoàng tử phải lòng 1 cô gái đạo Hồi, chàng cải đạo và lật đổ chính cha mình. Kết nối lịch sử đó vẫn còn đến ngày nay, khi mà đất nước Indonesia công nhận Hồi giáo là tôn giáo chính (chiếm 80-90% dân số Indonesia) thì Bali vẫn ngày ngày đấu tranh để bảo tồn tôn giáo- tín ngưỡng và nền văn hoá Hindu từ thời xa xưa của tổ tiên mình.

Kecal dance show
Kecak Dance Show – một chương trình nhảy kết hợp kịch truyền thống của Bali. Show có bốn trích đoạn nhỏ kể về Ramayana và nàng Sita. Âm thanh hoàn toàn không sử dụng nhạc cụ mà bằng tiếng của 70 người đàn ông hát “kè chặc kè chặc…” liên tục suốt 1h.

Bali có nhiều khu như Kuta, Ubud, Nusa Dua, Amed,… Trong đó, Kuta (bao gồm cả Semiyak và Legian) là nơi trung tâm tập trung nhiều khách du lịch phương Tây nên vô cùng xô bồ, sầm uất với những bar và pub xập xình thâu đêm, đó không phải gu của chúng tớ nên bọn tớ rời Kuta sau 3 ngày. Nusa Dua lại quá êm ả trong tiếng sóng biển với những căn villa cao cấp xây sát biển thích hợp để nghỉ dưỡng.

Amed là 1 làng quê với 1 bên giáp núi, bên kia giáp biển. Biển ở Amed rất lặng sóng, chỉ cần 1 chiếc bình khí, vài giờ học hành đàng hoàng là bạn hoàn toàn có thể chìm vào lòng đại dương để ngắm nhìn những rặng san hô, những con cá nhiệt đới đủ màu, những bức tượng khổng lồ mọc đầy rong rêu hay xa hơn là chiếc tàu cổ bị đắm từ hồi thế chiến II – đây là thiên đường cho những anh chàng mê scuba diving như Tùng, nhưng lại chẳng mấy mặn mà với 1 đứa sợ nước như tớ, vậy nên chúng tớ cũng chỉ ở đây 5 ngày cuối của cuộc hành trình.

bali 5
Anh người thương mặc dù đã được tớ bôi cho 1 lớp kem chống nắng water-proof dày ơi là dày nhưng sau buổi lặn vẫn không thể tránh được làn da đen sạm. Tuy vậy ảnh vẫn vui vẻ lắm!

Vùng mà bọn tớ chọn ở lâu hơn cả là thị trấn miền núi Ubud êm đềm, nơi mà người ta quay bộ phim Eat, Pray and Love.

Khác với những vùng ven biển của Bali, Ubud lại mang hơi thở của núi rừng với những con đường hẹp, cua và dốc, những cánh đồng lúa trài dài bất tận, chó mèo nằm hiên ngang ngoài đường, thỉnh thoảng còn thấy sóc và khỉ. Ubud được coi là cái nôi văn hoá của quốc đảo này, nơi luôn tràn đầy sự ấm áp trong màu gạch đỏ cam sờn bạc, với những ngôi nhà lợp lá cọ hàng trăm năm tuổi có những bức tượng thần và linh vật trong tín ngưỡng Hindu nhìn vừa đáng sợ lại vừa đáng yêu. Người dân ở đây quan niệm muôn loài đều bình đẳng, đều có cùng xuất phát điểm như nhau vì cùng được hình thành từ những hạt vũ trụ. Họ đối đãi với thiên nhiên bằng tất cả sự trân trọng của mình: nhà không được phép xây cao hơn ngọn cây dừa, người nông dân bỏ dép trước khi bước lên bậc ruộng, làm lễ tạ trước khi chặt 1 cái cây hay để trái cây ở ban thờ ngoài sân để lũ khỉ có thể lấy ăn thoải mái.

br-lazy"

Chính vì sự tôn thờ thiên nhiên và bảo tồn văn hoá của người dân nên mặc dù là điểm đến du lịch nổi tiếng bậc nhất Đông Nam Á với đủ các khách thập phương tìm về, Bali vẫn không hề có mùi thương mại. Chính phủ Indonesia được cai trị bởi đa số người Hồi giáo từng yêu cầu Bali chuyển đổi các khách sạn sang mô hình Hồi giáo và xây đảo nổi nhân tạo như Dubai, nhưng người dân kiên quyết từ chối để giữ những ngôi nhà tranh lợp ngói của mình, bất chấp việc chuyển đổi có thể giúp họ nâng cao mức sống bởi sẽ thu hút được lượng lớn khách Ả Rập giàu có.

nha bali
Một góc nhà ở Bali

Ubud vẫn cứ đắm chìm trong nền văn hoá giản dị đơn sơ của họ, năm này qua năm khác. Các chợ nghệ thuật ở Ubud tràn ngập những món đồ thủ công mỹ nghệ như phù điêu, nhạc cụ, tượng thần, bát đĩa gỗ được khắc chạm tỉ mỉ, hay vô vàn đồ thổ cẩm đủ màu sắc như quần, áo, khăn, giày, chăn, túi mà tớ chết ngập trong đó chẳng muốn chui ra. Nếu biết mặc cả, bạn sẽ mua được những món đồ thủ công tuyệt đẹp đó với mức giá rẻ như cho không vậy.

bali 2
Chợ nghệ thuật Ubud – ước gì tớ có thể khuân cả cái chợ này về

Ở Bali, tớ đã tự biến mình thành 1 cô nàng Bohemian với tóc tết, mặc trên mình chiếc quần thổ cẩm rộng thùng thình hay váy maxi hoạ tiết, quấn khăn mandala màu mè và đeo những chiếc vòng hạt cườm sặc sỡ, trưa ăn rawfood hoặc ăn chay cho nhẹ nhàng còn tối đến sẽ khui chai Bintang nhậu nhẹt với Tùng bên mấy con mực. Món mà tớ thích nhất ở vùng núi này là sườn nướng BBQ, thực sự rất ngon và rẻ, bạn nhớ phải thử đấy nhé.

bali 9
“Bintang” nghĩa là bia đó các bạn

Ẩm thực ở đây phong phú vô cùng, bạn nên trải nghiệm các món truyền thống của Indonesia một lần cho biết như Nasi Goreng, Mie Goreng, Sate, Gado-gado, Rendang hay Babi Kekab... cá nhân tớ thực sự không hợp khẩu vị với mấy món đó lắm. Bạn cũng có thể chọn ăn đồ Tây, đồ Mexico, Thái Lan, thậm chí Việt Nam. Đặc biệt ở đây, đồ chay và rawfood rất thịnh hành.

indonesian traditional food
Bữa ăn tại 1 nhà hàng truyền thống: Nasi Goreng, Gado Gado, Sate,… Ở giữa là 1 quả dừa được cắt gọt cầu kỳ.
buddha bowl bali
Những trưa nắng lười biếng không muốn ra khỏi nhà, bọn tớ thường order đồ ăn tại Buddha Bowl – 1 nhà hàng chuyên phục vụ các món Á, món ăn Việt Nam tuy không giống lắm nhưng cũng khá vừa miệng.

Raw Food là những thực phẩm ở trạng thái hoàn toàn tự nhiên, tươi sống, không qua chế biến (không hề được nấu, luộc, chiên, xào…) và là 1 dạng khác của ăn chay (đều là ăn thực vật nhưng đồ chay bình thường vẫn dùng nhiệt để nấu chín). Cách ăn này giúp chữa lành hệ tiêu hóa, ổn định đường huyết, giảm cân, giảm nguy cơ bị mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường, nói chung là cực kỳ tốt cho sức khoẻ. Tuy tốt những không phải món nào cũng ngon, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi bỏ tiền ra mua.

raw food
Vì không qua xử lý nhiệt, hoàn toàn là đồ tươi sống nên màu sắc của Raw Food rất đẹp và bắt mắt. 

Nếp sống ở Bali giúp con người tìm về đúng chỗ đứng của mình giữa tổng hòa của tự nhiên và những mối quan hệ xã hội. Chứng kiến người ta biết ơn hạt lúa, cái cây, con suối, dành cho nhau những nụ cười, cộng sinh với nhau, với thiên nhiên vạn vật, chợt thấy hạnh phúc có thể giản đơn biết bao, có thể đạt được mà không cần cạnh tranh hay tính toán.

bali harmony villa
1 trong số Villa mà bọn tớ thuê ở Bali, bể bơi view ruộng lúa, tối nghe ếch ộp kêu khá vui tai, thậm chí có thể ngắm cò bay trên đầu. Cạnh căn bungalow của tớ có 1 giàn chanh leo xanh um trĩu quả, dưới tán lá có chiếc võng dài chiều ngồi ngắm mặt trời lặn chill phết mỗi tội hơi nhiều muỗi, nhưng không sao vì tớ đã có xịt chống muỗi rồi.

3 tuần trôi đi trong êm đềm, thậm chí tớ tớ bắt đầu trở nên quen thuộc với môi trường và cách sống. Nhiều người nghĩa Bali đắt đỏ nhưng thực sự thì số tiền bọn tớ bỏ ra cho việc ở, đi lại và ăn uống chỉ ngang ngửa Việt Nam, chuyến đi lần này tổng chi phí hơi cao chỉ vì 1 lý do duy nhất là bọn tớ book vé máy bay sát ngày quá (vì tự nhiên nổi hứng nên chỉ book vé trước khi đi đúng 1 tuần). Số tiền sơ sơ mà bọn tớ dành ra lần này (tính cho 2 người) là:

  • Vé máy bay: 22 triệu VNĐ/ 2 người (không có đường bay thẳng Hà Nội- Bali nên mỗi chiều bọn tớ phải bay 2 chặng: Hà Nội – transit ở Kuala Lumpur – Bali). Vé trên đã bao gồm 30kg hành lý ký gửi, khứ hồi (tức là tính ra ~5 triệu/ người/ chiều). Nếu book vé sớm trước vài tháng chắc chắn giá sẽ rẻ hơn nhiều lắm lắm.
  • Thuê villa: mỗi khi đến vùng mới bọn tớ lại phải đổi chỗ ở, giá trung bình là $50/ căn/ngày. Villa nhỏ xinh cho 2 người, có bếp riêng, vườn, bể bơi, ao cá linh tinh các thứ…
  • Xe máy: 70k IDR /ngày (khoảng 120k VNĐ)
  • Ăn uống: như ở Việt Nam. Tớ không ước lượng chi tiết được vì hôm bọn tớ ăn bình dân, hôm thì ăn sang chảnh trên bãi biển nên rất khó để tính, chưa kể bọn tớ ăn khá nhiều. Bạn cứ biết là giá rổ các món ăn tương đương Việt Nam mình là được.
  • Mua sắm linh tinh: tuỳ bạn mua nhiều hay mua ít, và có biết mặc cả không. Ở đây phải mặc cả xuống còn ⅓ thậm chí ¼ so với mức giá mà họ nói thách lúc đầu, bạn nên cẩn thận. Tớ xin phép không công khai số tiền mua sắm vì mỗi người có nhu cầu mua sắm khác nhau.

Các khoản khác bạn không nhất thiết phải chi:

  • Thuê xe hơi có người lái để đi chơi: bạn hoàn toàn có thể đi chơi các điểm bằng xe máy và không mất khoản phí này. Đây là do trời nắng và bọn tớ ngại tìm đường nên thuê 1 chiếc taxi 4 chỗ trọn gói 500 IDR/ ngày (~850k VNĐ) để họ chở đi chơi bất cứ nơi nào mình muốn, cả ngày luôn.
  • Lặn biển: Tùng học lặn để nâng cao chứng chỉ lặn quốc tế, 10 triệu/ 3 ngày.

Tổng chi phí của 2 người chúng tớ đi trong 3 tuần là khoảng 60 triệu, nếu trừ vụ học lặn đi thì là 50 triệu/ 2 người/ 20 ngày (tương đương 1.25 triệu/ người/ ngày <đã bao gồm vé máy bay>). Nếu bạn chỉ đi du lịch khoảng 5-7 ngày, book vé sớm giá rẻ, không cần thuê xe hơi và không cần ở villa quá đẹp thì tớ nghĩ chỉ cần 800k/ngày là quá ổn, cũng chỉ ngang ngửa đi Thái Lan thôi. Vì vậy, nếu có thời gian, bạn hãy thử 1 lần đến hòn đảo nhiệt đới xích đạo này để Eat, Pray & Love nhé.

bali9
Bình minh trên núi lửa Batur
5/5 (4 Reviews)